Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Sống và chết

Một người ăn mày hom hem, rách rưới đến cửa anh nhà giàu để ăn xin. Người nhà giàu không cho lại còn mắng:
- Cút ngay đi! Rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên vậy!
Nghe thế, anh ăn mày thủng thỉnh trả lời:
- Ông quả là có mắt hơn người. Tôi vừa ở dưới đó mà đến đây.
Thấy tên ăn mày này bẻm mép, anh nhà giàu bồi thêm một câu gắt gỏng:
- Đã xuống địa ngục sao không ở luôn dưới ấy, còn đến đây làm gì cho bẩn mắt.
- Thoạt đầu, tôi cũng tính thế, nhưng khi đến nơi thì mấy tên nhà giàu chiếm hết chỗ rồi ...

Tôi thầm nghĩ có những khi tôi đang sống đây, nhưng trong mắt người chung quanh, hình như tôi đã chết. Không ai muốn nhớ đến, vì tên tôi làm cho họ nhớ đến những toan tính, những lợi lộc, ích kỷ mà tôi vẫn thể hiện trong đời sống hằng ngày, ... Với ý nghĩ này, tôi thấm hiểu được câu nói của Chúa Giêsu

"Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống." (Lc 20, 38)

Lạy Chúa, con tin thật Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Xin hãy nâng đỡ đức tin mỏng giòn của con trước những nghịch cảnh của đời sống.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Nẩy mầm

Cuộc nói chuyện giữa một người tân tòng và một người bạn không có niềm tin như sau:
- Vậy là bạn đã theo đạo Chúa?
- Đúng thế.
- Như vậy bạn phải biết nhiều về Ngài. Bạn hãy nói cho tôi biết: Chúa đã sinh ra ở trong nước nào?
- Tôi không biết.
- Chúa đã chết lúc bao nhiêu tuổi?
- Tôi không hay.
- Chúa đã giảng bao nhiêu bài?
- Tôi không rõ.
- Thì ra sự hiểu biết của bạn quá ít ỏi đối với một người tự nhận mình theo đạo Chúa!

- Đúng thế. Tôi hổ thẹn vì biết Chúa quá ít. Tuy nhiên, tôi biết và tin ở những điểm nầy: Cách đây ba năm, tôi luôn say sưa chè chén. Nợ nần lút đầu lút cổ. Gia đình vỡ lở tan hoang. Vợ con tôi kinh hãi khi tôi về nhà mỗi ngày trong bơ phờ say sưa. Ngày nay tôi không còn rượu chè say sưa nữa, gia đình đầm ấm yên vui, chúng tôi không còn lâm cảnh nợ nần túng thiếu... Tất cả những điều đó, chính Chúa đã làm cho tôi. Đấy là điều tôi biết và tin nhiều về Ngài!

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây ? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì ? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." ( Lc 13,18-19)

Lạy Chúa, con thường chiêm ngắm, ca ngợi tình yêu Chúa đã tỏa sáng nơi các vị thánh. Đó là những bóng cây cổ thụ của Giáo Hội. Thế nhưng, khi nghe tiếng Chúa mời gọi con bước vào con đường tình yêu ấy thì con lại ngại ngùng, do dự. Xin cho con biết gieo trồng hạt giống Tình yêu ngay trong tâm hồn con, biết chăm chút để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm và lớn lên.


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Gặp gỡ Chúa

Một cụ già ngồi bất động hàng giờ ở cuối nhà thờ. Ngày nọ, có người hỏi ông:
- Chúa đã nói gì với ông?

Ông trả lời: 
- Chúa không nói gì? - Người chỉ nghe.
- Vậy ông nói gì với Người vậy?
- Tôi cũng chẳng nói gì, tôi chỉ nghe.

Lạy Chúa, con thường thấy mình
không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất:
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(Rabbouni)

"Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa." (Lc 6,12-12)

Đơn sơ và khiêm tốn

Chiều đã xuống, một người nông dân trên đường từ chợ trở về nhà bổng không tìm thấy cuốn sách kinh đâu cả. Tới bìa rừng, chiếc xe bò của ông lại tuôn mất một bánh. Ông thầm nghĩ, chắc không về nhà kịp tối nay, mà lại không đem theo sách kinh. Ông rất buồn về chuyện đó.
Vì thế, ông hướng mắt lên trời và thưa cùng Chúa:

- Chúa ơi, con đã làm một điều thật đáng trách. Sáng nay con đi chợ mà không nhớ mang theo sách kinh, mà trí nhớ của con lại quá kém cỏi. Kém đến độ con chẳng nhớ một kinh nào trong sách cả. Vậy con làm thế này: con tin là Chúa thuộc tất cả mọi kinh, như thế con sẽ đọc 5 lần bảng chữ cái thật chậm cho Chúa. Và xin Chúa ghép các chữ ấy lại với nhau thành những lời kinh mà con thường đọc hàng ngày. Con cám ơn Chúa trước nhé.
Nghe thế, Chúa mới bảo các thiên thần:
- Trong tất cả lời kinh mà Ta đã nghe hôm nay, đây là lời kinh hay nhất, bởi vì nó xuất phát từ một con tim đơn sơ và chân thành.

Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18, 14)
Lạy Chúa Thánh Thần, Thánh Thần an ủi, khi chúng con ở lại trong sự hiện diện, thinh lặng và bình an của Chúa, đó là cầu nguyện. Chúa thấu suốt mọi sự về chúng con, và đôi khi thậm chí một tiếng thở dài đơn giản cũng có thể là một lời cầu nguyện.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Sống điều mình truyền rao


Thứ bảy, 20-10-2013

1. Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh sư: "Hôm qua, người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận,
nên những người chung sòng đã nện cho con 1 trận nên thân và liệng con qua cửa sổ tầng một. Thầy thấy con phải làm gì đây?". Minh sư nhìn vào mắt anh ta, rồi nói: "Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt."
Các đệ tử tỏ vẻ kinh ngạc: "Sao thầy không khuyên anh ta đừng chơi bài nữa?"
Minh sư trả lời: "Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi!"

2. Một đệ tử thú nhận với Minh sư rằng mình có tật xấu là thích ngồi lê đôi mách. Thầy ranh mảnh trả lời: "Lặp đi lặp lại những chuyện tầm phào thì không đến nỗi tệ, nếu con không tự ý thêm thắt vào câu chuyện đó".

3. Các đệ tử không ngừng xin Minh sư ban bố những lời minh triết. Ngài bảo họ: " Minh triết không được biểu thị bằng lời nói. Minh triết được biểu lộ bằng việc làm". Nhưng khi thấy đệ tử lăn xả vào hành động, Minh sư cười thoải mái và nói: "Đó không phải là hành động, mà là NÁO ĐỘNG"
(Anthony de Mello)


Những mẫu chuyện vui này của cha Anthony giúp tôi hiểu ra cách thế tuyên xưng niềm tin của mình. Những hành động, thái độ mà tôi cư xử với anh em,... Tóm lại, cách sống của tôi chính là lời nói với thế giới rằng Thiên Chúa đang nhập thể từng giây từng phút, đang đồng hành với con người yếu đuối, mỏng và giới hạn.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa " (Lc 12, 8)

Lạy Chúa Kitô từ bi, xin Chúa đón nhân chúng con cùng những năng khiếu và yếu đuối của chúng con. Và nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa giải phóng, tha thứ và dẫn chúng con đến nơi chúng con dâng hiến cuộc sống trong tình yêu.



Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Đi để thấy!


Ôi Chúa, Chúa của con,
Chúa đã đặt bao nhiêu niềm vui vào cuộc đời con,
hãy nhìn nụ cười toả lan trên mặt con,
khi con khám phá ra
sự phong phú của những phúc lành Chúa ban.

Mắt con cũng mĩm cười
khi chúng thấy
những đứa trẻ đói khát được nuôi ăn.
Khuôn mặt nhăn nheo của con cũng mĩm cười
Khi con thấy người ta nhận ra là 
Chúa đang chờ đón họ.





Chúa ơi, nhiều khi con cười vang

với các chị em khi con khám phá ra
thực sự, Chúa là ai.
Mỗi ngày, chúng con đều cười vang,
cười vang niềm vui Chúa ban cho
khi chúng con hát lời ca tụng Chúa.

Chúa ơi, con cám ơn Chúa
cho những tiếng cười vui khoái
Amen. 
(mẹ Têrêsa Calcutta)

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : "Bình an cho nhà này !"  
( Lc 10,3-5)

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Sự thật bên trong

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày đón nhận những người khác 
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi đau khổ và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
trong những ngày khó khăn đó, xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
"Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất 
là làm cho chính Ta."
(Prière)

Chúa Giê-su nói: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào." (Lc 11, 46)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Biết mình

Sáng nay, nhóm anh em bạn kéo đến rủ tôi làm một chuyến xe đạp về một buôn làng nghèo của
người dân tộc cách thị xã khoảng 10 cây số. Nghĩ đến đoạn đường dài lắm dốc nhiều bụi, tôi vội kiếm cớ thoái thác.
Và bọn họ đã hăm hở trèo lên những con ngựa sắt, vội vàng đạp đi trong tiếng cười nói râm ran. Vai họ nặng trĩu những chiếc ba lô đầy gạo, quần áo, chăn mềm, và cả tâm tình yêu thương đầy ắp!
Nhìn theo nhóm bạn vừa khởi hành, tôi chợt hình dung ra từng khuôn mặt thân quen ấy sẽ ân cần trao tặng những gói quà nhỏ bé cho những người thượng già yếu, thiếu ăn. Họ dịu dàng cắt tóc cho những đứa bé nhem nhuốc đen đủi. Tôi chợt hiểu: Yêu thương cần phải hành động! 

Cuộc sống luôn bắt tôi phải chọn lựa. Làm việc này thì phải bỏ việc kia. Việc nào cũng đều tốt cả. Vấn đề là "tôi muốn gì" khi thực hiện những việc ấy. Chắc chắn trong thâm tâm tôi sẽ trả lời là đặt ở Chúa chứ ở đâu! Ừ, thế là tốt rồi.

Thế nhưng, thành thật với lòng mình, tôi thấy, thường khi đàng sau mục đich làm cho "Chúa" đó còn ẩn tàng một mục đích khác: đó chính là cái "tôi". Cái "tôi" này làm cho tôi đây mạnh miệng cao rao kỳ công cứu chuộc của Chúa, nhưng lại khéo léo né tránh việc sống Mầu nhiệm Trao ban. Cái "tôi" này thúc đẩy tôi hùng biện dữ dội về lòng Thương xót Chúa, nhưng lại khăng khăng cầm buộc mà không chịu quảng đại thứ tha, ... Những lúc ấy, tôi đã trở nên một thứ "thùng rỗng kêu to". Nói thành thật với chính mình điều đó thật là tệ!

Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng : "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người." (Lc 11,39-41)

Lạy Chúa, xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa. (T.Augusitno)

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Dấu chỉ thời đại

Thứ hai, 14-10-2013

Có một cậu bé mồ côi từ nhỏ. Cậu luôn ước mơ rằng mình có thể bay được như những chú chim. Dù
có nghe giải thích thế nào, thì cậu cũng không nguôi ngoai ước vọng được bay như chim.
Một ngày kia, cậu bé được dịp đi ra bên ngoài trại mồ côi. Khi đi ngang một công viên, cậu nhìn thấy một bạn trai trạc tuổi cậu, đang chơi đùa trong hố cát. Cậu bé này bị liệt cả hai chân từ lúc bẩm sinh. Cậu bé bại liệt vẫn thường hỏi bố rằng tại sao cậu lại không thể đi được. Và ước mơ duy nhất của cậu là có thể đi đứng và chạy chơi như các bạn đồng trang lứa.
Cậu bé mồ côi đến bên hố cát và hỏi:
- Này bạn, có bao giờ bạn mơ mình được bay chưa?
- Ồ, không. Tớ chỉ ước mong là mình có thể đi và chạy mà còn chưa được, nói gì đến bay.
Cậu bé mồ côi thoáng chút tư lự:
- Tớ xin lỗi, chuyện của bạn thật đáng buồn. Này, mình làm bạn với nhau nhé.
- Tất nhiên rồi.
Hai đứa trẻ quấn quít, chơi đùa với nhau trong hố cát, cho đến khi ông bố đem xe lăn rước con về. Thấy thế, cậu bé mồ côi vội chạy đến thì thầm vào tai ông điều gì đó với vẻ khẩn khoản. 
- Được, thôi. Nếu cháu muốn thế.
Cậu bé tiến đến hồ cát và nói với người bạn liệt cả hai chân:
- Cậu là người bạn duy nhất của tớ. Tớ ước gì có một điều kỳ diệu làm cho bạn đi lại được. Phần tớ, tớ chỉ có thể làm được cho bạn một điều nhỏ này.
Nói rồi, cậu bé cúi người xuống, cõng ngay người bạn liệt của mình lên lưng và đi. Lúc đầu, đi từ từ, rồi dần dần cậu chạy, chạy nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Cậu bé bại liệt hứng chí reo lên:
- Cám ơn cậu. Đây là lần đầu tiên tớ đi mà không cần xe lăn.
Cậu bé mồ côi chạy nhanh hơn nữa, dù mặt cậu đỏ bừng và mồ hôi đã vã ướt cả chiếc áo chemise.
Cậu bé liệt giơ hai tay lên trời, ngoái nhìn bố:
- Bố ơi! con đang bay nè, con đang bay nè...!
                                         (Roger Dean Kiser)

Cậu bé mồ côi với một cử chỉ đơn sơ đã trở nên dấu chỉ cho người bạn bại liệt. Cậu đã mang đến hạnh phúc thiết thực cho người anh em của mình. Điều đó đã dạy cho tôi một bài học: có phải chăng trở nên dấu chỉ cho anh em là thực hiện những việc tầm thường một cách phi thường không? Có lẽ là thế.
"Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy." (Lc 11,30)
Lạy Chúa, xin giúp con dẹp bỏ đi những ảo tưởng xa vời. Những ảo tưởng mà chỉ làm cho con rời xa đời sống thực tế, nơi mà anh em đang cần sự giúp đỡ chân tình và thiết thực của con.




Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Biết ơn, lời đáp trả của lòng tin.

Chúa nhật, 13/10/2013

Hai ông cháu đi băng qua một cánh rừng rậm rạp. Không khí nóng bức và oi ả và họ cảm thấy khát nước. Cuối cùng, họ đến được một giòng suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Người ông bảo: "Cám ơn giòng suối nhỏ nhé!"
Nói đoạn, ông rút trong túi ra một cái muỗng và múc một ít bùn dưới lòng suối đổ đi. Đứa cháu thấy thế thì bật cười. Người ông hỏi:
- Sao con lại cười?
- Có gì mà ông phải cám ơn chứ? Nó có phải là người đâu? Nó không nghe được lời ông nói, và nó cũng không hiểu được lời cám ơn của ông nữa!
Người ông gật gù lắng nghe, vừa đưa mắt nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Giòng suối vẫn róc rách chảy chen lẫn tiếng chim rúc rích trên cao... Được một lúc, người ông bỗng nói với đứa cháu:
- Thế đấy, giòng suối đã không nghe thấy lời cám ơn. Nhưng nó vẫn ban phát cho tất cả mọi loài cần đến nó. Nếu như có một con sói đến uống nước, nó sẽ không biết cám ơn như ông. Vì nó là một con sói. Còn chúng ta, chúng ta là con người, con ạ. Và con có biết con người nói hai tiếng "cám ơn" để làm gì không?
Đứa bé nhíu mày, ấp úng chưa tìm câu trả lời.
- Con ơi, con người nói lên hai tiếng "cám ơn" là để, không biến mình trở thành ... chó sói!

Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. (Lc 17, 17-19)

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì đã ban cho con ơn được làm người. Con tạ ơn Chúa vì đã cho con làm một Kitô hữu. Con tạ ơn Chúa vì đã mở lòng mở trí để tin, để cảm nghiệm được lòng thương xót thẳm sâu của Chúa. Xin cho đời con luôn diễn ra như một lời tạ ơn Chúa cho đến giây phút sau cùng.


Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tin hay không tin?

Chúa nhật, 06-10-2013

Chống lại Thượng Đế là tin có Ngài
Một học giả vô thần hỏi một nông phu người Nga:
- Bác có tin Thượng Đế không?
Bác nông phu trả lời:
- Tôi tin có Thượng Đế.
- Tại sao bác tin? Bác có thấy Thượng Đế không?
Bác nông phu trả lời:
- Không, nhưng tôi cũng chưa thấy một người Nhật nào hết. Dù vậy, tôi cũng tin rằng có người Nhật, vì quân đội của chúng ta đã chống lại quân Nhật trong trận chiến vừa qua. Nếu không có Thượng Đế thì tại sao các ông chống lại Ngài (?)

Đức tin, một cách nào đó, vẫn hiện diện trong tôi. Dù tôi có muốn xác nhận hay chối bỏ cũng chẳng có ý nghĩa gì vì nó là một thành phần của con người tôi. Tôi có thể dối lừa những gì bên ngoài tôi chứ không thể tự dối chính mình.

                                                                         Dưới hố cá nhân.
Một binh sĩ kể: ngày nọ, vì bị tấn công bất ngờ, tôi chỉ còn cách là lăn mình xuống hố cá nhân để tránh đạn. Ở dưới đó, đã có một trung sĩ vẫn tự xưng là vô thần.
Bom nổ tứ tung, đạn bay loạn xạ. Và tôi nghe viên trung sĩ đang cầu nguyện giống tôi, mà còn lớn tiếng hơn tôi nữa. Khi bom đạn qua đi, tôi nhìn ông trung sĩ, nói:
- Trung sĩ, lúc nãy, tôi thấy ông cầu nguyện?
Viên trung sĩ không phản đối, nhưng nhẹ nhàng đáp:
- Này anh bạn, ở dưới hố cá nhân, không có người vô thần.

Chỉ khi cuộc đời của tôi đi vào chỗ "bế tắc", thì lúc đó tôi mới ý thức hơn về quyền năng của Đấng Tối Cao, đã và đang chờ tôi đáp lời mời gọi của Ngài.

Chúa Giêsu nói: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ' Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ', nó cũng sẽ vâng lời anh em." (Lc 17,6)

 Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã ban cho con ơn Đức Tin. Xin Chúa cũng giúp con sống xứng đáng với niềm tin đã lãnh nhận.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Kho tàng ở ngay trong ta.

Có một câu chuyện về một anh chàng tên là Walter. Anh ta có một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Và, đều đặn trong nhiều năm, theo cách thế phù hợp của mình, anh ta bán thiếu cho nhiều người nghèo. Anh giúp đỡ họ bước đầu trong đời sống. Những người cũng thị trấn đã ca ngợi anh không tiếc lời.
Một ngày nọ, anh Walter bất ngờ trở nên giàu có khi trúng được lô độc đắc. Với số tiền khổng lồ này, anh bỏ luôn cửa hàng buôn bán nhỏ và việc giúp đỡ người nghèo. Anh bắt đầu sắm sửa, chưng diện, làm đẹp, và bồi dưỡng sức khỏe.
Anh Walter "giàu có" trãi qua một thời kỳ hoàng tráng, tiêu tiền như nước. Anh gặp một phụ nữ trẻ. Hai bên
đã hẹn hò. Nhưng trước khi họ đi chơi chung, một cơn bão đã ập đến và sấm sét đã đánh trúng anh ta.
Trong đời sau, Walter kêu ca, trách móc: "Lạy Chúa, sau bao năm cực khổ làm việc vất vả, con vừa hưởng thụ được chút chút thì tại sao Chúa lại làm thế với con?"
Thiên Chúa tỏ vẻ ngạc nhiên: "Ồ, Walter đó sao? Ta lấy làm tiếc. Ta đã không nhận ra con!"

Trong cuộc sống của tôi cũng thế. Khi tôi tìm kiếm những điều mau qua ở đời này thì sẽ vô tình đánh mất kho tàng vĩnh cữu mai sau. Thế thôi! Đó là một quy luật.

Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. (Lc 10, 21)

Lạy Chúa Giêsu, niềm vui của tâm hồn chúng con, Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần trong chúng con. Người đến để làm mới lại niềm tín thác sâu thẳm trong chúng con. Nhờ Ngườ chúng con hiểu thêm niềm khao khát Thiên Chúa đơn sơ sẽ phục hồi sự sống cho linh hồn chúng con.


Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Suối nguồn bình an.

Thứ sáu, 04-10-2013, kính thánh Phanxicô Assisi

Khi rãnh rỗi, tôi thường nhớ lại những câu chuyện dễ thương, còn đọng lại trong ký ức. Số là, khi xưa, ông nội và bà nội của tôi, có lần hai vị đã cải nhau kịch liệt và bà giận đến nổi không thèm đếm xỉa gì tới ông.
Hôm sau, ông quên hẵn cuộc cãi lộn, nhưng bà vẫn tiếp tục chẳng ngó ngàng gì đến ông và không nói với ông lấy một lời. Hình như ông đã "bó tay" không làm sao để bà chịu lên tiếng được.
Sau cùng, ông mới đi lục khắp các tủ, các ngăn bàn. Được một lúc, thì bà không chịu nổi liền giận dữ la ầm lên:
- Này ông già, ông tìm cái gì vậy hả?
Ông thản nhiên trả lời:
- Ồ, cảm ơn Chúa, tôi tìm thấy rồi! Tôi tìm cái tiếng nói yêu quý của bà đó...!

Tôi thiết nghĩ, trong những khoảnh khắc buồn phiền ấy, ông tôi đã áp dụng những giáo huấn của Đức Giêsu thì mới có thể vượt qua được những xung đột diễn ra trong đời sống thường ngày. Và có lẽ, cũng nhờ thế mà ông bà tôi đã duy trì một đời sống hạnh phúc cho đến phút răng long đầu  bạc.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng". (Mt 11,28-30)

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng, trong những nghịch cảnh, buồn phiền, thất vọng thì Chúa chính là nguồn bình an vô tận mà con luôn có thể cậy nhờ. Xin giúp con thêm sức mạnh để con vượt qua được những yếu đuối của chính con.



Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Một lời tự vấn...

Thứ năm, ngày 03-10-2013

Chúa bảo tôi "Hãy ra đi". Tự trong lòng, tôi mau mắn vâng lời và lên đường ngay. Thế nhưng khi nhập cuộc rồi, tôi mới tự nghĩ, ủa mà ra đi là đi đến những nơi nào? Sẽ làm những việc gì? Loan báo với ai đây?

Thật may mắn cho tôi khi đọc được những lời sau đây của mẹ thánh Têrêsa Calcutta:
Tôi có coi công việc của tôi
như một dịch vụ thánh chứa đầy yêu mến?
Tôi có coi công việc của tôi
như một lời cầu nguyện?
Tôi có làm việc cho người ta
với tấm lòng mở rộng?
Tránh những phe phái?
Tôi có biết nhận ra Đức Kitô
ẩn dưới những khuôn mặt đang đau buồn trong những con người nghèo khó mà tôi phục vụ?

Những người tôi tiếp xúc với,
họ có trở nên tốt hơn vì không?
Họ có coi công việc tôi là một mục vụ tông đồ của cộng đoàn không?
Trong công việc của tôi, tôi có sợ những khó khăn và những cản trở, quên rằng tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng là sức mạnh của tôi?
Tôi có cố gắng thu về mình những thán phục và trân trọng của kẻ khác hay tôi chỉ làm vui lòng Chúa thôi?
                                                                    (Cầu nguyện với mẹ Têrêsa)

Đức Giêsu bảo các ông: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi." (Lc 10, 2-3)
Lạy Chúa, xin cho con ý thức được rằng từng hành vi, lời nói, thái độ cư xử của con đối với những người chung quanh chính là việc ra đi loan báo Tin Mừng cho Chúa.


Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Con nít mà làm được gì?

Thứ tư, ngày 02-10-2013

Những khi lòng mình trở nên nặng nề, mệt mỏi, tôi thường ngắm nhìn các bé chơi đùa với nhau. Ánh mắt "phi
lợi nhuận", hay tiếng cười rôm rã của chúng đã thu hút tôi thật nhiều. Những hình ảnh đó như nhắc nhở tôi Lời Chúa ngày hôm nay, 'Hãy trở nên như trẻ nhỏ". Tôi thầm nghĩ, điều này quả là khó thực hiện đối với một người lớn như mình. Nhưng rồi một em bé đã dạy cho tôi lối suy nghĩ và cách thực hiện.

Em tên là Corina, người Uruguay, 13 tuổi. Em kể rằng: 
Ở trước nhà tôi (Corina), có 1 bà hàng xóm. Một lần kia, bà đi nói xấu mọi người về gia đình tôi. Mẹ tôi biết được nên rất phiền lòng. Mẹ tôi đã cấm tôi từ nay không được nói chuyện với bà hàng xóm đó nữa. Tôi vâng lời. Một thời gian dài trôi qua, mọi chuyện tưởng chừng như đã đi vào lãng quên. Nhưng một ngày kia, tôi đang đi cùng một người bạn ngang nhà bà hàng xóm. Bất chợt thấy bà, tôi cúi đầu chào.
Khi trở về, tôi đã thuật lại cho mẹ nghe mọi sự và nói:
- Mẹ à, mình không thể cứ tiếp tục cư xử như từ trước đến nay đối với bà hàng xóm. Vì xét cho cùng, nơi bà cũng có hình bóng của Thiên Chúa như mẹ và con.
Nghe thế, mẹ tôi lúc đầu hơi khó chịu nhưng dần dần rồi tâm hồn mẹ tôi như thấm được ý tưởng ấy. Mẹ tôi đã hiểu ra, và từ đó chúng tôi và bà hàng xóm nối kết lại quan hệ như xưa. Và lần này thì bà hàng xóm trở nên người láng giềng thân thiết nhất của gia đình chúng tôi. Tật nói xấu, bà cũng quên luôn(?)

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Mt 18,1-3)

Lạy Chúa, đặt mình trước lời mời gọi "Hãy trở nên như trẻ thơ", con thấy điều khó làm nhất ở đây chính là suy nghĩ của chính con. Xin Chúa giúp con "quẳng" bớt những tỵ hiềm, tự ti, sĩ diện... và hàng tá những đức tính vô bổ khác vào tay Chúa. Để nhờ đó, con sẽ sống một đời sống thanh thản, bình an như một công dân Nước Trời.




Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Một nhân đức không màu, không mùi...

Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi cần phải có một lối sống đơn sơ, khiêm tốn như trẻ nhỏ. Nhưng sống đơn sơ, khiêm tốn như thế nào được giữa muôn vàn cái "phức tạp" của đời người? Đi tìm cho mình một câu trả lời, tôi bắt gặp câu chuyện dí dỏm sau:

Một thầy Rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ của thì thầm với nhau bên giường bệnh của ông. Họ ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
- Từ thời Salomon dến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy!
Một người khác chen vào:
- Ồ, đức tin của thầy sánh ngang với tổ phụ Abraham.
Người thứ ba góp lời:
- Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Job.
Một người khác phụ hoạ:
- Chuyện vãn thân mật với Chúa, thì chỉ có Môisen và thầy của chúng ta đây.
Vị Rabbi tỏ ra bồn chồn.
Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi ông:
- Ông có nghe họ ca tụng ông không?
- Có
- Thế tại sao ông tỏ vẻ bực dọc thế?
- Sự khiêm tốn của tôi. Không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi cả!

Có phải chăng đức khiêm tốn đối với người tín hữu như không khí đối với con người. Đức khiêm tốn không màu, không mùi, không nhìn thấy được, nhưng lại là yếu tố cần thiết và là nền tảng để những nhân đức khác trở nên có giá trị. Theo tôi, sống khiêm tốn trong cỏi đời phức tạp này không gì khác hơn là nổ lực làm việc nhưng yên tâm phó thác kết quả trong tay Chúa Quan Phòng. Không quá kỳ vọng vào ý muốn của mình nhưng sẵn lòng đón nhận mọi điều Chúa gửi đến.

"Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy." (Mt 18,1-5)

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về tất cả những gì mà con đang có. Xin cho con biết sử dụng những gì Chúa ban một cách khiêm tốn như Chúa hằng mong ước.





Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Lời nguyện đầu tuần

Thứ hai, ngày 30-09-2013

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa
Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất". 
(Lc 9, 46-48)

Lạy Chúa, một tuần lễ mới đang mở ra cho con. Xin cho con biết đem an hoà vào những nơi tranh chấp, và làm cho đời sống con biểu lộ phản ánh lòng từ bi của Chúa. Xin giúp con biết yêu thương và thể hiện tình yêu đó bằng đời sống của chính con.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chân dung Chúa Kitô

Chiara Lucbich, lúc ấy là một cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Một lần nọ, mẹ cô sai cô đi mua sữa cho em. Trên
đường đi, cô cảm thấy tiếng Chúa gọi cô đến hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Năm 1943, Chiara Lubich đã bắt đầu vẽ lại chân dung Chúa Kitô bằng việc khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô". Cô quyết tâm hoạ lại chân dung Chúa Giêsu bằng cách sống 3 lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, khó nghèo và Vâng phục. Trong thế chiến thứ 2, cô bám lại Trento để phục vụ cho các bệnh nhân trong chiến tranh, nhất là những người bị bỏ rơi, bị đời xua đuổi...  Cô đã nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và đã dùng cuộc đời mình để khắc hoạ lại những gì cô cảm nhận để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Chân dung Đức Kitô mà cô thực hiện đã chinh phục nhiều thanh niên, thiếu nữ có lòng yêu mến sự thật. Và vì thế, ngày nay, phong trào Focolare đã phát triển khắp nơi trên thế giới.

Camillo Lellis (1550-1614), thuở thiếu thời, là một quân nhân. Anh chỉ biết ăn chơi đua đòi phóng đãng. Anh
sống sa đoạ đến nỗi phải vào bệnh viện để chữa trị. Tại đây, những đau đớn của chính bản thân cộng thêm những rên siết của những bệnh nhân chung quanh, đã làm anh xúc động sâu xa. Anh đã đi đến quyết định sửa đổi đời sống. Sau khi hồi tâm trở về, Camillo bắt đầu công việc tạc ảnh tượng Chúa Giêsu bằng chính sự tự nguyện giúp việc tại bệnh viện và xin gia nhập dòng Phanxicô. Cảm nghiệm sâu xa về điều Chúa Giêsu đã nói: Khi Ta đau yếu, các con đã thăm viếng Ta, nên sau khi thụ phong linh mục, ngài đã lập một Dòng tu chuyên chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo khổ. Dòng ấy có lời khấn thứ tư là phải hoàn toàn dấn thân cho bệnh nhân bất chấp bệnh truyền nhiễm. Về sau, mắc dù bị chứng nhức đầu, lở loét bao tử hành hạ, nhưng ngài vẫn vui vẻ chăm sóc bệnh nhân. Ngài bình thản chịu đựng mọi tủi nhục khổ đau và thường nói: "Tôi hằng ao ước có một trái tim rộng lớn như thế giới để bao phủ thế giới bằng ngọn lửa của lòng bác ái đang bốc cháy trong tôi."
(Nguồn: Người lữ hành trên đường hy vọng)

Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" (Lc 9,20)

Lạy Chúa, mỗi người chúng con, dù muốn hay không, đều đang khắc hoạ lại hình ảnh của Chúa bằng đời sống của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng thời giờ, khả năng, sức lực một cách ích lợi nhất cho Nước Chúa và cho anh em. 

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Được sai đi trong thế giới @

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (Lc 9, 2)

Trong một cuộc họp mặt của giới trẻ ở nước Anh. Các thanh niên nam nữ từ nhiều quốc gia đến bàn bạc
thảo luận phương thế để "Tin Mừng" của Đức Kitô được phổ biến khắp nơi. Họ nói về việc rao giảng bằng những phương tiện in ấn và truyền thông điện tử, bằng các cuốn sách nhỏ và bằng các bài giảng trên đài phát thanh. Họ nói về các băng hình video, ...
Kế đó, một cô gái đến từ Trung Phi phát biểu. Cô nói: "Khi chúng tôi muốn đem sứ điệp của Đức Kitô đến một ngôi làng, chúng tôi không cần gửi đến họ những nhà thuyết giảng hoặc sách vở. Chúng ta chọn một gia đình Kitô giáo tốt lành đến sống trong làng. Gương sáng của những Kitô hữu này sẽ làm thay đổi ngôi làng".

Tôi nhận ra điều thiết thực của Kitô giáo là ở chỗ này. Tôi được sai đi loan báo Tin Mừng và cách thức loan báo chính là "sống" niềm tin mình đã lãnh nhận. Sống niềm tin trong chính bổn phận hàng ngày của tôi, chứ không phải chỉ "nói" huyên thuyên những điều tôi hiểu biết. Đối với tôi, đó là một lời mời gọi thật sự. Có như thế thì tôi mới làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với những ai mà tôi tiếp xúc. Có như thể thì tôi mới nói được rằng Thiên Chúa đang sống giữa anh em.

Lạy Chúa, con nói về Tin Mừng của Chúa thì lưu loát, thì mạnh dạn lắm. Nhưng con lại lúng túng, lại toan tính trong những quan hệ cư xử đời thường. Con chưa dám chịu thua thiệt vì Tin Mừng để anh em được "chữa lành".  Xin giúp con thánh hoá bổn phận của con. Xin giúp con thánh hoá người khác nhờ bổn phận của con và thánh hoá chính mình con trong bổn phận hàng ngày.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Được làm con Chúa thì có gì là hay?

Đức Giêsu trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". (Lc 8, 21)

Điều kiện để được nhận là người nhà của Đấng quyền năng của vũ trụ này chỉ đơn giản như vậy thôi sao?
Nếu thế thì hạnh phúc đời tôi giản đơn hơn tôi tưởng. Mà thật sự chỉ đơn giản như vậy mà thôi!



Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy
sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.






Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy màu sắc.
Màu xanh của cỏ non, màu hồng của trái chín,
màu vàng mặt trời xế chiều.



Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con
một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.








Cha từ ái biết bao khi ban cho chúng con 
một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
Hương thơm của nắng xuân dìu dịu.






Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng 
của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẻ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dánh Cha.





Xin cho chúng con biết chung sống với thiên nhiên nàynhư một người bạn, một quà tặng Cha ban, biết giữ gìn ngôi nhà trái đất để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt, và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên được cùng với cả nhân loại chúng con vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Chúa. Amen
(Rabbouni)



Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

... Ai có sẽ được cho thêm

"Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất." (Lc 8, 18)

Tôi cảm thấy khó hiểu về cách nói ẩn dụ này của Chúa Giêsu. Nhưng một câu chuyện nhỏ đã giúp tôi hiểu ra vấn đề:

Thánh Gioan Maria Vianney được làm linh mục nhờ phép "chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài mới được thụ phong linh mục. Khi đã làm linh mục, Chúa đã ban cho ngài lắm ơn đặc biệt để cứu các linh hồn cho đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp". Nhưng dù vậy, ngài vẫn không ỷ lại vào ơn thánh. Cứ mỗi sáng thứ hai, ngài mang giấy bút lên phòng thánh để dọn bài giảng Chúa nhật sắp tới. Sau này, người ta còn giữ lại được một tủ sách khá lớn của ngài.

Phải chăng khi xưa, cha thánh Vianney đã không có các khả năng cần thiết để làm linh mục. Nhưng mặt khác, ngài lại "" lòng sốt mến đặc biệt. Ngài "" lòng khiêm tốn và bền chí phó thác hành trình của mình cho Chúa. Nhờ vậy, Chúa đã "cho thêm" ngài những hồng ân thật đặc biệt.
Về sau, ngài đã được phong hiển thánh và còn là bổn mạng của các cha xứ mới đáng nể chứ. Suy nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ lại lời kinh Magnificat: "...Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không."

Lạy Chúa, con có khả năng làm nhiều việc, có tài ăn nói. Con có kiến thức, học xa trông rộng, con đạt được nhiều thành công ở đời, ... Nhưng tất cả những điều ấy mà thiếu lòng yêu mến Chúa, thiếu sự khiêm tốn và phó thác thì nó chỉ phục vụ cho bản thân con mà thôi. Xin cho con biết dùng những khả năng của con để sinh ích lợi cho Nước Chúa.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Anh hãy theo Tôi

... Ngày ấy, cuộc sống của tôi càng náo-nhiệt vội-vã, đong đầy tham-vọng bao nhiêu thì mặc khải Thiên
Chúa tỏ lộ cho tôi càng nhẹ-nhàng, chậm-rãi và tinh-vi bấy nhiêu. Cái trái nghịch quá rõ ràng này làm tôi ngỡ
 ngàng kinh ngạc khi đọc lại các biến cố từng diễn ra trong cuộc đời tôi.
Hồi ấy, Thiên Chúa  không là gì cũng chả là ai hết, mặc dầu tôi đã ”làm đủ mọi sự” - như người ta nói - đó là: học giáo lý, lãnh các bí tích và tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như các ngày Lễ Buộc. Cuộc sống đạo đức thân thương này bị tản-mác bị phân-phối và rồi tôi dẹp nó qua một bên, xét vì nó không mang lại cho tôi lợi ích nào cũng không có gì hấp dẫn đáng chú ý. Trong khi đó cuộc sống do chính tôi xây dựng mới đáng kể. Nó là thành công và là sự nghiệp sáng chói! Tôi thoải mái trong công ăn việc làm và mọi sự diễn tiến tốt đẹp.
Thế rồi đùng một cái, vào năm 40 tuổi, tôi bị bế-tắc trong nghề nghiệp vì lâm vào tình cảnh rắc-rối. Tôi bèn quyết định thoát ra thảm trạng và bẻ gãy cái chu kỳ làm việc quá mệt mỏi. Có lẽ vẫn còn bị ám ảnh bởi các thành tích nên tôi lao mình vào cuộc hành trình đi bộ tiến về Santiago de Compostella bên nước Tây-ban-nha. Lộ trình của nó tôi biết quá rõ nên hăng hái lên đường một mình với chiếc balô mang trên lưng. Tôi ý thức mình phải đặt lại vấn đề, phải suy tư về các điểm chính yếu trong cuộc đời tôi và đặt hành lý xuống.
Trên đường đi vạn dặm tôi khám phá ra hành trình chính là gặp gỡ. Cuộc đời chính là mối quan hệ là các giao tế. Tôi gặp gỡ và quen biết đủ thứ hạng người với ánh nhìn cởi mở và khoan dung. Ngày 11 tháng 8 lễ thánh nữ Clara tôi bước vào một tu viện tiếp đón khách hành hương và tôi tham dự Thánh Lễ. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Vì sao và bởi ai? Tôi không biết! Tôi chỉ biết rằng trong thoáng giây tôi bỗng bồi hồi nhớ lại các chặng đường quá khứ. Và điều này gây lợi ích lớn lao cho tôi. Nó trở thành chuyện không thể cưỡng lại được. Từ từ, tôi làm một nối kết ở mỗi cuộc gặp gỡ trên đường đi, giữa mỗi một người tôi gặp và .. Thiên Chúa. Và tôi ngạc nhiên reo lên: Và nếu Thiên Chúa  là mối giao hảo?

Chính trong cuộc tĩnh tâm mà sau khi kết thúc lộ trình hành hương mà tôi khám phá ra Thiên Chúa là Tình Yêu! Tôi tiếp nhận, tôi sống và tôi khao khát thứ tình yêu này, Tình Yêu đến từ Thiên Chúa! Tôi bỗng nồng nhiệt ao ước lãnh bí tích rửa tội. Nhưng tôi đã được rửa tội rồi mà! Vậy là tôi ý thức rằng chỉ khi nào tôi mở rộng lòng tiếp rước Thiên Chúa thì Ngài mới đưa tôi vượt qua cõi chết và bước vào sự sống.

Một ngày kia, khi nghe trình thuật Phúc Âm trong đó Đức Chúa Giêsu nói cùng người thanh niên giàu có: ”Hãy đến và theo Thầy”, thì tận nơi sâu kín của lòng mình, tôi bỗng thưa lên lời đáp lớn lao: ”Vâng, con xin đến!”

Thế thì điều gì đã thay đổi trong cuộc đời tôi kể từ ngày ấy? Thưa là Tất Cả và là không gì hết. Nghĩa là, tôi vẫn nguyên vẹn là chính tôi với những yếu đuối và hạn hẹp, nhưng tôi sống động. Tôi giữ lòng tin tưởng, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mà tôi tiếp nhận và đến phiên mình, tôi có thể trao lại cho người khác. Nơi nghề nghiệp, tôi giao tế với tha nhân bằng tình yêu và sự tin cậy. Tôi tin tưởng trong gặp gỡ và quan hệ với người bạn đời. Tôi tin tưởng trong giáo xứ nơi tôi gia nhập nhóm tháp tùng các tân dự tòng chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội. Tôi tin tưởng trong đời sống thường nhật khi tôi tiếp nhận sự sống như món quà và lãnh nhận hết ơn lành này sang ơn lành khác.

(Chứng từ của bà Claire-Emmanuelle, 46 tuổi người Pháp, sống tại thủ đô Paris. Bà là huấn luyện viên chuyên nghiệp).

... ”Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, trí thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chấp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. Con tự nhủ: ”Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!” Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!”(Thánh Vịnh 139(138) 1-14).
Nguồn: (”Prier”, l'aventure spirituelle, N.353, Juillet-Aout 2013, trang 7)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Lạy Chúa, con đã gặp Chúa nhiều lần. Con nghe tiếng Chúa gọi con nơi những bất toàn của anh em, Chúa gọi con ngang qua những hoàn cảnh khốn khó mà con biết, ... nhưng con đã không đứng dậy để theo Ngài. Lạy Chúa, xin hãy nhẫn nại với sự ương lười của con và xin ban thêm can đảm và sức mạnh để con vượt qua sự yếu đuối này của chính con.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Chúng ta làm gì sau khi gặp Chúa?

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.(Lc 8, 1-3)

Đoạn Tin Mừng này khiến tôi suy nghĩ về việc những "quý bà" có đẳng cấp cao trong xã hội như bà
Gioanna, vợ quản lý của Hêrôđê lại đi chung với một "quái" bà đã từng bị bảy quỷ nhập như bà Maria Mađalêna được nhỉ? Đã vậy thì chớ, các bà còn đem tài sản của mình để trợ giúp công cuộc rao giảng của Chúa?
Phải chăng là, tình yêu nhiệm mầu và quyền năng nơi Chúa Giêsu đã cảm hóa và giúp các bà đã tìm thấy một kho tàng lớn lao ẩn chứa trong đó: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Điều đó đã khiến các bà bỏ lại sau lưng tất cả những khác biệt về địa vị, đẳng cấp, giàu nghèo, ... để xem nhau như chị em và cùng theo Chúa trên con đường rao giảng. Tôi tự nhủ, có lẽ điều này đúng khi tôi xem lại lịch sử của Giáo hội. Hàng bao con người đã nhận ra Tình yêu nhiệm mầu này và quả cảm cho đi như câu chuyện của ông thương gia Vath sau đây:

Vath là một thương gia người Đức, nhưng làm ăn buôn bán ở Thượng Hải. Đang khi công việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ, thì ông nhận ra tiếng Chúa gọi mình. Vath đã xin vào chủng viện Bernađô dành cho những người tu muộn tại Roma. Sau khi thụ phong linh mục, ông trở lại Trung Quốc để phục vụ tầng lớp dân nghèo tại đây.

Phương pháp hoạt động của cha là thành lập Caritas (Hội Bác Ái cứu trợ Công giáo) với những lớp túc văn hóa, những thư viện, trường dạy nghề, trường kỹ thuật, quán cơm bình dân, lưu xá rẻ tiền cho sinh viên học sinh, hoặc công nhân, ... Và chỉ sau một thời gian, công việc này đã trở thành mô phạm cho các Caritas trên thế giới, nhờ tài kinh doanh của cha Vath được đem ra khai thác đúng chỗ và triệt để. Có điều là giờ đây ngài không kinh doanh cho bản thân, mà là cho các người nghèo để giúp họ và gia đình họ thăng tiến hơn lên.
(Nguồn: Người lữ hành trên đường hy vọng)

Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa những khả năng nhỏ bé của con. Để trong tay Chúa, con sẽ trở nên khí cụ hữu ích Nước Chúa và cho anh em.




Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Điều nên làm ngay

Trong một khoá học chuyên tu ngành tâm lý học, vị giáo sư ra đề bài: “Trong vòng một tuần, anh chị hãy đến gặp người thân mà mình quan tâm và nói với họ rằng anh chị yêu mến họ. Người đó phải là người mà trước đây, hoặc đã lâu anh chị không nói những lời như vậy.” Đề bài xem ra đơn giản. Thế nhưng, hầu hết cánh đàn ông trong lớp đều đã trên 30 tuổi và cảm thấy vô cùng khó khăn khi thể hiện đề bài này vì họ hiếm khi thể hiện tình cảm của mình với một ai đó.

Đầu giờ học kế tiếp, vị giáo sư hỏi xem có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện của mình hay không. Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời. Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên. Anh ta trông có vẻ xúc động lắm:

“Cách đây 5 năm, giữa bố tôi và tôi có một mâu thuẫn nghiêm trọng. Từ đó đến nay, cả hai vẫn chưa giải quyết được. Tôi tránh gặp mặt ông, trừ những trường hợp chẳng đặng đừng, như khi họp mặt gia đình. Nhưng ngay cả lúc ấy, chúng tôi cũng hầu như không nói với nhau một lời nào. Vì vậy, tôi đã tự thuyết phục bản thân đến để xin lỗi và nói với bố tôi rằng tôi yêu ông ấy.

Quyết định ấy dường như đã làm giảm đi phần nào áp lực nặng nề trong lòng tôi. Đêm hôm đó, tôi hầu như chẳng chợp mắt được. Ngày hôm sau, tôi đến nhà bố mẹ và bấm chuông, lòng thầm mong bố sẽ mở cửa cho tôi. Tôi lo sợ rằng nếu mẹ mở cửa thì dự định của tôi sẽ không thành, tôi sẽ bày tỏ với mẹ thay vì với bố. Nhưng may quá, bố tôi đã ra mở cửa. Tôi bước vào và nói: 

"Con không làm mất thời gian của bố đâu, con đến chỉ để nói với bố rằng bố hãy tha lỗi cho con và con yêu bố." Có một sự chuyển biến trên khuôn mặt bố tôi. Gương mặt ông dãn ra, những nếp nhăn dường như biến mất và ông bắt đầu khóc. 

Ông bước đến, ôm chầm lấy tôi và nói: “Bố cũng yêu con, con trai ạ. Nhưng bố chưa biết làm thế nào để có thể nói với con điều đó”.

Đó là thời khắc quý báu nhất trong đời tôi. Hai ngày sau, bố tôi đột ngột bị một cơn đau tim và vẫn còn nằm trong bệnh viện cho đến bây giờ. Nếu như tôi trì hoãn bộc lộ với bố, có lẽ tôi không bao giờ còn có cơ hội nào nữa”.
                                                                                                         Dennis E. Mannering

Sám hối thực ra là việc nhận ra mình được yêu, nhận ra được tất cả những gì mình đã nhận mà chưa đáp trả hết. Do vậy, kết quả của việc sám hối luôn phải là một hành động như câu chuyện hai bố con trên đây.
"Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?" (Lc 7, 41-42)

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thiên Chúa đã chạm đến tôi?

"... Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
Rồi Người trao lại cho mẹ nó
." (Lc 7, 14-15)

Trong cuộc sống, Chúa đã "chạm" đến tôi nhiều lần. Nhưng mấy khi tôi dừng lại để cho Chúa giúp đỡ, nhất là trong những nghịch cảnh của cuộc đời, những lúc mà cuộc đời trở nên tăm tối. 
Chúa đang hiện diện và mong muốn giúp đỡ tôi. Chúa ao ước tôi có một thái độ mở lòng ra để đón nhận Ngài. Ngài sẽ giúp tôi giải toả những nỗi khắc khoải, những đớn đau, ... và mang lại cho tôi hạnh phục như đã thực hiện cho bà goá thành Naim.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa.
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn
                                           cha Piô





Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Tình yêu chân thật

Lạy Cha,
Tạ ơn Cha đã chỉ cho con, con đường Tình Yêu chân thật.
Một Tình yêu chỉ hướng đến người yêu, mà không vụ lợi cho cá nhân.
Một Tình Yêu chỉ cố làm cho người yêu được nên trọn hảo.
Một Tình Yêu lấy sự hy sinh chính mình là quà tặng trao ban.
Một Tình Yêu luôn kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của người mình yêu.
Một Tình Yêu quảng đại rộng mở, không phân cấp theo bất cứ tiêu chuẩn nào.
Một Tình Yêu mang lại sự bình an, một sự bình an thẳm sâu, dù đang sống giữa những thử thách gian truân.

Con đã không tìm thấy điều đó nơi thế gian. 
Tạ ơn Cha đã chỉ cho con, con đường Tình Yêu chân thật.
Con tin rằng: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Lạy Chúa, xin hãy thay thế tình yêu hẹp hòi của con bằng Tình Yêu chân thật của Chúa.
Xin hãy thay thế tình yêu đầy vụ lợi nơi con bằng Tình Yêu chân thật của Chúa.



Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Nhìn lại chính mình

Ngày xưa, có một nhà điêu khắc có biệt tài nắn được những bức tượng giống hệt như ông, đến độ không tài nào phân biệt được ông với những bức tượng. Ngày kia, ông được tin thần chết đến tìm ông. Do đó, ông nặn ra một tá tượng con người của ông. Khi đến nơi, thần chết cũng bó tay, không biết ông ở đâu trong số những bức tượng ấy. Cuối cùng thần chết đành chào thua và bỏ đi.
Tuy nhiên, không bao lâu sau, thần chết quay lại với một kế sách thông minh, vì thần chết rất am hiểu tính nết của con người. Thần chết nói:
- Này, anh chàng điêu khắc của tôi! anh là một thiên tài trong việc sáng tạo ra những bức tượng giống hệt
nhau và giống anh như đúc, không ai phân biệt được cái giả cái thật. Tuy nhiên, tôi vừa khám phá ra một vết nứt nhỏ trên mặt một bức tượng đây.
Anh chàng điêu khắc lập tức nhảy xổ ra và la lên:
- Không thể được! Vết nứt ở đâu?
- Ở đây nè! Thần chết liền túm cổ anh chàng điêu khắc tài ba nhưng không thể nhìn ra chính mình.

Sao anh lại có thể nói với người anh em : ' Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra ', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !" (Lc 6, 42)
Lạy Chúa, quả thật con không thể nhìn thấy được chính con, nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Những thành công vụn vặt, những kiến thức nhỏ nhoi, những kết mỹ mãn mà con đạt được, ... tất cả đã làm nên một vỏ bọc định kiến khiến con chết ngạt trong chính sự kiêu căng của mình. Lạy Chúa, xin chữa con khỏi căn bệnh mù quáng về chính con.




Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Nguyên lý của hoà bình

Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. (Lc 6, 31)

Lạy Chúa Thánh Thần xin giúp chúng con đem an hoà vào những nơi tranh chấp, và làm cho đời sống chúng con biểu lộ phản ánh lòng từ bi của Thiên Chúa. Vâng xin giúp chúng con biết yêu thương và thể hiện tình yêu đó bằng đời sống chúng con.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Sống "cái nghịch lý của Thiên Chúa"

Thánh Gioan Boscon đã chấp nhận hết mọi đau thương gian khổ của cuộc đời để đạt mục đích duy nhất: đưa giới trẻ về cùng Chúa. Ngài di ăn xin từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn để đem về cho tốp lâu la du đảng của ngài. Hằng đêm, ngài phải thức khuya để làm báo, viết sách để huấn luyện giới trẻ, bênh vực Hội Thánh... đến nỗi lúc về già, mắt ngài mờ đi vì phải thức khuya quá độ.
Ngài chọn một khẩu hiệu: "Da mihi animos, caetera tolle", tạm dịch "Xin Chúa cho con cứu được nhiều linh hồn, còn mọi sự khác (của cải, danh vọng, thành công), xin Chúa cứ cất đi!"

Chúa Giêsu luôn mời gọi tôi sống "cái nghịch lý" của Ngài trong đời sống hàng ngày. Đây là điều không dễ dàng thực hiện, nhưng đó lại là con đường giúp tôi trở nên thật sự "là chính tôi". 

"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. 21Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười." (Lc 6, 20-21)


Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, không ít lần, vì phải chọn lựa theo Ý Chúa mà con đây gặp phải nhiều điều phiền muộn. Xin soi sáng trí khôn và nâng đỡ lòng can đảm của con, để khi đối diện với nghịch cảnh, con có thể trung thành theo Chúa.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!


... Bà Anne-Dauphine Julliand là ký giả kiêm văn sĩ và là bà mẹ Công Giáo năm nay 40 tuổi.
Bà sinh ra và sống tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày 10-3-2011 bà phát hành tác phẩm: ”Deux Petits Pas Sur Le Sable Mouillé - Hai Bước Chân Nhỏ Trên Cát Ướt” vỏn vẹn hai năm sau khi bé gái Thaiis 3 tuổi rưỡi qua đời. Tác phẩm là một bản tình ca: yêu sống, yêu con và yêu THIÊN CHÚA. Hai năm sau, ngày 23-5-2013, bà lại viết cuốn ”Une journée particulière - Một ngày đặc biệt” nhắc lại những yêu thương dành cho con gái Thaiis. Một ngày đặc biệt là ngày 29-2 ngày sinh nhật của bé Thaiis - mà nếu còn sống năm nay sẽ tròn 8 tuổi - và người ta chỉ có thể cử hành ngày này cứ bốn năm một lần!

Ông bà Loic và Anne-Dauphine Julliand cho ra chào đời bốn đứa con, 2 trai 2 gái: Gaspard, Thaiis, Azylis và Arthur. Đứa con gái lớn tên Thaiis bị mắc chứng di truyền loạn-dưỡng-bạch-cầu (leucodystrophie) và được chẩn bệnh vào năm lên hai tuổi. Các bác sĩ cho biết bé chỉ sống sót trong vòng vài tháng. Khi nhận hung tin, bà Anne-Dauphine thì thầm vào tai con gái lời hứa:
- Con sẽ có một cuộc đời đẹp. Cuộc đời không giống các trẻ khác nhưng là một cuộc đời mà con có thể hãnh diện!

Và đúng như lời hứa. Bé Thaiis sống thêm gần hai năm và là hai năm tràn đầy yêu thương. Đúng là một câu chuyện tình yêu.

Nhưng thử thách vẫn chưa chấm dứt. Bé gái thứ hai cũng mắc cùng chứng bệnh y như chị Thaiis của bé. Xin nhường lời cho bà Anne-Dauphine Julliand, người mẹ Công Giáo trẻ thật can đảm, tràn đầy hy vọng và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Nói rằng mình có một đứa con bị đau ốm thì dễ hơn là thú nhận mình có đứa con khuyết tật. Khuyết tật gây lo âu sợ hãi hơn là đau bệnh. Khuyết tật tạo nên một tình cảm khang-khác khiến người ta lúng túng không thoải mái. Đứa con khuyết tật thay đổi nhiều điều trong cuộc sống gia đình của tôi. Thành thật mà nói cuộc sống thường nhật trở nên rắc-rối nhiêu-khê hơn. Đôi khi thật nặng nề. Thế nhưng đứa con khuyết tật đã thay đổi tâm lòng của chúng tôi. Chúng tôi học cách cảm thức trở lại sự giòn mỏng của đứa con cũng như của chính chúng tôi.

Khi khám phá ra Azylis - đứa con gái thứ hai của chúng tôi - mang cùng chứng bệnh với Thaiis, đã là một trận động đất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Thế rồi trong khoảng thời gian đầu của cơn thử thách, chúng tôi đã quên mất nếp sống phu thê để dồn mọi chú ý trên đứa con khuyết tật. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chu toàn nghĩa vụ của bậc làm cha làm mẹ, nhưng chỉ thiếu sót trong tình nghĩa vợ chồng. Từ từ chúng tôi học trở lại cách thức vợ chồng nhìn nhau, chú ý và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng học cách an ủi lẫn nhau nữa.

Trên đây tôi nói khuyết tật gây sợ hãi hơn là cơn bệnh. Điều làm cho chúng tôi sợ chính là sự khác biệt. Đối diện với người khuyết tật chúng tôi lo sợ không biết phải nói năng truyền thông như thế nào, không biết phải xử sự ra sao. Chúng tôi cố gắng dồn mọi nỗ lực thực thi điều chúng tôi có khả năng làm và không nghĩ đến chuyện nhìn người kia. Tôi chỉ lo sợ không thể hiểu được đứa con gái khuyết tật của mình. Tôi bèn học với con cách thức nói năng thông truyền bằng một kiểu khác.

Đức Tin giúp ích nâng đỡ tôi rất nhiều. Đức Tin không ngăn chặn tôi khỏi khóc lóc và khỏi đau khổ, nhưng Đức Tin giúp tôi nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác, theo một cách thức khác. Tôi nghĩ rằng ngày hôm nay Đức Tin của tôi được lớn mạnh. Điều thay đổi trong Đức Tin của tôi chính là chiều sâu và nét nhân bản thực tế. Ngày người ta loan báo cho chúng tôi biết căn bệnh của đứa con gái thứ hai của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Trời Cao không đổ ập trên đầu chúng tôi, nhưng Trời Cao đi vào căn nhà của chúng tôi, để cùng khóc với tôi và để đề nghị với tôi sự hiện diện của Trời Cao. Chính sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc đời tôi là điều vô cùng thân thương và thật quý báu đối với tôi. Kể từ ngày tôi cảm nhận được điều này cùng với trọn Tình Yêu vô điều kiện tháp tùng, tôi không còn sợ hãi cuộc sống nữa. Tôi không còn sợ đau khổ cũng không sợ ngã quỵ lẫn không sợ yếu ớt giòn mỏng.

... ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ”(Sách Ai Ca 3,19-27).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, Mai-Juin 2013)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

"Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,33)
Lạy Chúa Giêsu, tiếng Chúa gọi con không ở đâu xa, nhưng là chính giây phút hiện tại con đang sống. Chúa đang nói với con qua những niềm vui, nỗi buồn, những thành đạt hay nghịch cảnh đang xảy đến với con. Tiếng Chúa nói nơi ánh nắng gay gắt, hay trong mưa sa gió buốt cũng như trong làn gió dịu êm. Mỗi sự kiện, biến cố là một lời thì thầm Chúa đang cố dạy con một điều phải làm. Xin Chúa mở mắt. mở lòng để con thấy được, hiểu được và can đảm chấp nhận Ý Chúa, thay vì là ý con.