Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Clip TM CN 2 Mùa Vọng năm C

Ngày 06 tháng 12 năm 2015
PHÚC ÂM:  Lc 3, 1-6
"Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Hãy dọn đường cho Chúa
Lm Phêrô Trần Đình, Đalạt

1. Thế giới càng văn minh hiện đại bao nhiêu, người ta lại càng chú trọng đến những con đường bấy nhiêu. Là bởi vì đường là phương tiện giúp người ta dễ đến gần, dễ tiếp xúc với nhau hơn. Xa nhau hay gần nhau thường là do con đường mà ra.
Giữa con người với nhau đã thế, thì giữa Thiên Chúa và con người cũng vậy. Vì thế, thật dễ hiểu khi Gioan Tiền Hô dùng hình ảnh “con đường” kêu gọi mọi người “ăn năn sám hối để được tha tội”, ngõ hầu có thể “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” :
        “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa,
        sửa lối cho phẳng để Người đi.
        Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy,
        mọi núi đồi, phải bạt cho thấp,
        khúc quanh co, phải uốn cho ngay,
        đường lồi lõm, phải san cho bằng”.

2. Bảo rằng đó là lời kêu gọi của Gioan Tiền Hô thì cũng đúng, nhưng nói đó thật ra là tiếng Chúa kêu mời ta thì càng hữu lý hơn, bởi vì Gioan thật ra chỉ là “tiếng của người hô” trong sa mạc. “Tiếng” là tiếng của Chúa, còn “người hô” chính là Gioan.

Gioan là khí cụ Chúa dùng để hô to lên, để thức tỉnh con người, bởi vì biết đâu đó có ai đó đang “mê ngủ” chăng ?. Tiếng Chúa thường được nói qua những con người. Đây là bài học lớn mà nhân loại dễ quên. Vì thế rất nhiều khi ta đã vô tình đánh mất những cơ hội Chúa đến viếng thăm và Người vẫn “đứng ngoài cửa” mà ta không mở để đón vào. Mãi mãi Chúa vẫn sẽ là “kẻ xa lạ ấy” (cet inconnu). Và rồi một Mùa Vọng nữa sẽ trôi vào dĩ vãng, chẳng để lại dấu tích nào. Năm tháng cũng sẽ qua đi và ơn Chúa không có tác động mảy may nào trong ta. Có bao giờ chúng ta ý thức như vậy không?.

3. Vì vậy, điều cần thiết là để cho lời của Chúa chất vấn ta. Những con đường mà Gioan nói đến không phải là những con đường chạy bên ngoài cho bằng là những nẻo đường trong tâm hồn ta.

Những con đường ấy nhiều khi như “thung lũng sâu”, tức những tư tưởng đen tối che lấp ánh sáng của Chúa. Có khi là những “núi đồi”, nghĩa là những sự “kiêu căng lòng trí”. Cũng có khi là những “khúc quanh co” bởi cách sống thiếu thẳng thắn trong tư tưởng cũng như hành động. Và cuối cùng là những chỗ “gồ ghề”, những khúc mắc giữa ta với Chúa và với tha nhân.

4. Bao giờ, những con đường ấy được dọn dẹp, được khai thông, chúng ta mới hi vọng “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Ơn cứu độ là gì nếu không phải là “mến yêu, vui mừng và bình an” như Thánh Phaolô đã nói ?.

Lm Phêrô Trần Đình, Đalạt

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Clip TM CN 1 Mùa Vọng năm C

Ngày 29 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28, 34-36
"Giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay cho thấy viễn tượng của bức tranh cánh chung, nghĩa là hình ảnh ngày Chúa lại đến.

Đọc toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng thứ 4 của thánh Gioan, chúng ta không hề thấy Chúa loan báo lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa sẽ đến. Chúa không vén lộ bí mật ấy và con người cũng không hề giải được mật mã của Chúa. Chúa chỉ nói đến những điềm báo thời cánh chung như mặt trời, mặt trăng, tinh tú dời đổi, những thay đổi trên trời, những biến động dưới đất: bão lụt, núi lửa, chiến tranh, thiên tai, ôn dịch v.v… Đó là những điềm báo khiến con người phải thức tỉnh và rút ra những bài học cho cuộc đời.

Mùa Vọng nhắc nhở nhân loại, nhắc nhớ mỗi người chúng ta về việc Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử cứu độ, và chuẩn bị cho con người đón chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang, trong uy quyền, ngày đó Chúa Giêsu không nói rõ lúc nào, Ngài chỉ nói nó đến thật bất ngờ như kẻ trộm đến vào giờ con người không ngờ, không hay biết, như sự chết đến một cách thình lình như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21, 35). Chúa đã đến để kêu gọi con người về với Ngài thật bất ngờ và hết sức thình lình.

Chính vì thế, Chúa mời gọi con người: “… Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…”(Lc 21, 34). Chúa nói con người: “Phải tỉnh thức và cầu nguyện”(Lc 21, 36). Tỉnh thức để nhận ra Chúa đến với mỗi người trong ngày cùng tận của mỗi người, vì Chúa đến một cách rất bất ngờ. Mỗi người cần cầu nguyện luôn để sẵn sàng ra trước mặt Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mỗi người luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện để chúng con sẵn sàng ra đón Chúa như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang theo dầu. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Clip TM CN 34 TN năm B

Ngày 22 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37
"Quan nói đúng: Tôi là Vua".

Đọc Tin Mừng chúng ta nhận thấy có một số tước hiệu Chúa Giêsu tự nhận cho mình như mục tử, tôi tớ, thầy, Chúa, Con người. Những tước hiệu này như nối kết với chính bản thân của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, với danh xưng “Vua”, Chúa Giêsu nhận trước vài giờ Ngài lãnh án tử hình và chịu đóng đinh trên thập giá, và vì thế danh xưng này mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

Dưới con mắt và trong suy nghĩ của dân Do Thái và Philatô, danh xưng Vua mang ý nghĩa chính trị bao gồm bộ máy nhà nước, với nội các và quân đội để bảo vệ chủ quyền và an ninh của vương quốc ấy.

Theo ngôn ngữ của Thánh sử Gioan thì Nước Thiên Chúa không thuộc địa giới mà là Thiên giới, không thuộc xác thịt mà thuộc Thần khí. Chính vì thế, Chúa Giêsu không có gì để đối kháng với đế quốc Roma, hay sợ lấn quyền hành của Philatô hay của các vị lãnh đạo thế trần lúc đó.

Theo quan niệm của Chúa Giêsu, “Vua” có nghĩa là làm chứng nhân cho chân lý. Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trong cuộc khổ hình, chịu chết của Ngài trên thập giá: “ ... Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.” Ngay trên thập giá, Chúa Giêsu mới chứng tỏ thật sự Ngài là Vua. Chúa Giêsu là Vua khiêm nhượng, nhân hậu, Vua phục vụ khi cưỡi trên mình lừa vào thành Giêrusalem ... Một vị vua hy sinh tự hiến, khước từ mọi thứ vinh quang trần thế.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người có lòng tin luôn ý thức rằng Nước Chúa không thuộc thế gian này, nhưng Dân Chúa lại ở trong thế gian. Xin cho chúng con biết trở thành chứng nhân sống động cho Nước Chúa giữa muôn người.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Clip TM CN 33 TN năm B

Ngày 15 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32
"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".

Cứ gần hết chu kỳ phụng vụ, Hội Thánh lại hướng nhân loại và những Kitô hữu nhìn về tương lai, về ngày cùng tận của lịch sử Cứu rỗi, ngày Cánh chung, đồng thời cũng là ngay quang lâm của Chúa Kitô.
Với đoạn Tin Mừng của Thánh Marcô, người Kitô hữu được làm quen với lối văn Khải Huyền, là lối văn quen thuộc của những người đương thời với Chúa Giêsu, hơn là người tín hữu đang sống trong thế giới ngày nay. Do đó, chúng ta không được phép hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen, với nội dung diễn tả những thứ tưởng sẽ tồn tại vĩnh viễn thì cũng có ngày bị tan tành, không còn hiện diện nữa. Thay vào đó, ý tưởng của đoạn Tin Mừng này gợi lên: Thế giới cũ, thế giới tội lỗi sẽ bị tiêu diệt; một thế giới mới sẽ xuất hiện nhưng không ai biết lúc nào, bao giờ những sự việc ấy sẽ xẩy ra cho nhân loại.
Hình ảnh cây vả đâm chồi nẩy lộc tiên báo sức sống mới. Cây vả lá rụng hết trước mùa hè và lá non đâm chồi nẩy lộc xanh tươi báo trước mùa hè tới. Ngày cùng tận sẽ không chỉ là ngày tai họa được giáng xuống nhưng ngày đó còn là ngày hy vọng… Cũng như cây vả đâm chồi, nẩy lộc xanh tốt tiên báo mùa hè tới… thì những tai ương như bão táp, động đất, đói kém, chiến tranh cũng loan báo: ”Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13, 29).

Sứ điệp mà các bài đọc của Chúa nhật 33 nhắm tới: “Mọi người Kitô hữu có quyền hy vọng khi họ tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, khi họ đọc Kinh Tin Kính và tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” hoặc lời tung hô sau truyền phép: “Tôi tuyên xưng Chúa đã chết đi, tôi tuyên xưng Người đã sống lại và tuyên xưng Chúa lại đến trong vinh quang”. Những lời tuyên xưng ấy giúp người Kitô hữu tin tưởng và hy vọng. Tin tưởng và hy vọng vì mình cũng được phục sinh với Chúa, được sống lại vì sự chết đối với người Kitô hữu chỉ thay đổi chứ không mất đi và hệ luận là người Kitô hữu luôn luôn hy vọng: “Không sợ đau khổ, không sợ chết” vì niềm hy vọng của họ có bảo đảm là sự sống mới của Đấng Phục Sinh. Do đó, người Kitô hữu luôn hiên ngang hướng tới ngày quang lâm vinh hiển của Chúa… Ngài sẽ đến đưa con người vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài trong Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn biết sẵn sàng đón chờ ngày quang lâm vinh hiển của Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Clip TM CN 32 TN năm B

Ngày 08 tháng 11 năm 2015

PHÚC ÂM: Mc 12, 41-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Câu chuyện người đàn bà góa nghèo nàn đoạn Tin Mừng của thánh Marcô thuật lại hôm nay, gây nhiều ấn tượng cho con người, cho nhiều người. Bởi vì, đồng xu nhỏ bà góa bỏ vào hòm tiền trong nhà thờ là tất cả sản nghiệp của bà. Đây là số tiền bà dành dụm để nuôi sống chính bản thân của bà. Chúa nhật 32 thường niên, năm B muốn nói gì với tất cả chúng ta ?

Chúng ta không thể đánh giá chính xác lòng người khác nhưng chính từ câu chuyện Tin Mừng của thánh Márcô 12, 38-44, chúng ta nghiệm ra rằng trần gian này thật có những người nghèo tiền, nghèo của cải nhưng lại giầu lòng hảo tâm, giầu tình thương. Và như thế, của dâng hiến quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng dâng hiến, và thái độ trao tặng. Trên thế gian này, có những người cho rất nhiều, dâng hiến bao la nhưng chưa đụng tới chút nào gia sản của họ, chỉ là của dư của thừa vv… Còn nắm bột, chút dầu, đồng xu nhỏ nhoi của hai bà góa lại là “ tất cả những gì mình có để nuôi sống “ ( Mc 12, 44 ).

Chúa dạy một bài học thật lớn, thật ý nghĩa. Làm việc, dâng cúng, trao tặng mà không có tấm lòng, dâng cúng nhiều để khoe khoang, để ghi sổ vàng nhưng tấm lòng lại khô cứng, của cải thì chưa đụng tới cả cái sản nghiệp to lớn, dâng cúng, trao tặng mới như như hạt cát. Chúa không tán dương những hạng người này. Người nghèo thật nhiều đang ở chung quanh chúng ta. Người đau khổ, bơ vơ vất vưởng đang ở xung quanh chúng ta. Liệu có ai biết ghi ơn họ khi họ dâng cúng, trao tặng những món tiền nhỏ nhoi, nhưng là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Chúng ta cần có những suy nghĩ thật đứng đắn, thật công bằng. Lẽ dĩ nhiên giầu mà có tấm lòng vàng thì thật đáng khen ngợi. Giầu mà có tinh thần nghèo khó thì cũng đáng tán dương biết bao. Giầu nghèo là điều thường tình trong cuộc đời, nhưng sống có nghĩa có tình, có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả như hai bà góa, như nhiều người trong đời sống chúng ta đã gặp. Đó là điều Chúa muốn và Chúa mời gọi…
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Clip TM CN 31 TN năm B

Ngày 01 tháng 11 năm 2015
Chúa nhật Lễ Các Thánh Nam Nữ

Phúc Âm Mt 5, 1-12
"Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao"

Tháng 11 là tháng cuối cùng trong Niên Lịch Phụng Vụ, tượng trưng cho cuối đời của con người. Vì thế, Giáo Hội dành tháng 11 để hướng tâm trí chúng ta về đời sau và tưởng nhớ đến những vị đã qua đời. “Sinh Ký Tử Quy!”, “Sống Gởi Thác Về!” “Về với Chúa là Cha chúng ta nơi quê hương thật Nước Trời”.
Trong số các vị đã qua đời, có những vị đã được thưởng công trên Nước Chúa, được hưởng hào quang Thiên Quốc, và là các Thánh mà Giáo Hội kính chung vào ngày 1/11 hàng năm. Có những vị còn đang trong Luyện Ngục để đền tội và được thanh luyện để trở nên thánh thiện xứng đáng được hưởng Thánh Nhan Chúa, là Đấng hoàn toàn thánh thiện. Giáo Hội cầu nguyện chung cho các vị đó vào ngày 02/11 (Lễ Các Linh Hồn) và suốt tháng 11 (Tháng Các Linh Hồn), dù chúng ta vẫn nhớ cầu cho các linh hốn ấy trong kinh, lễ hàng ngày.

Theo Bài Phúc Âm (Matthêu 5: 1-12) nói về ‘Tám Mối Phúc Thật’, thì các Thánh là những vị đã có tinh thần khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nhục trong đau khổ, luôn sống công chính, có lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, sống đời sống thanh khiết trong bậc tu trì hay đời sống gia đình. Các Ngài luôn sống hòa hợp với mọi người để xây dựng hòa bình. Các Ngài cũng là những vị đã sẵn sàng hiến mạng sống mình để làm chứng cho công bằng xã hội, cho đức tin nơi Chúa. Các Ngài đã sống xứng đáng là con cái của Thiên Chúa là Cha. Các Ngài đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa, và luôn lo thánh hóa bản thân để nên giống Chúa là Đấng Cực Thánh (Bài Đọc II: 1 Gioan 3: 1-8).

Việc đọc và suy gẫm đời sống các Thánh cũng giúp chúng ta cải thiện đời sống, như Thánh Ignatius Loyola (1491-1556), vị sáng lập Dòng Tên, trong thời gian bị đau ốm, đã đọc sách “Hạnh Các Thánh” và nhờ đó mà nhìn ra được con đường các Thánh đã đi, rồi Ngài “quyết tâm trở về”, quyết tâm sửa đổi đời sống, dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Trong tinh thần kính nhớ các vị đã qua đời, trong Tháng 11 này, chúng ta hãy dâng nhiều Thánh Lễ, dâng các hy sinh, hãm mình, các kinh nguyện, nhất là lần chuỗi Mân Côi, viếng nghĩa trang để cầu cho các Linh Hồn nơi luyện tội được sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa là Cha chúng ta, cùng với Mẹ Maria và các Thánh. Cũng xin tiếp tục dâng những hy sinh, hãm mình và cầu nguyện nhiều cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục trong “Năm Thánh Linh Mục” này.
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Clip TM CN 30 TN năm B

Ngày 25 tháng 10 năm 2015

PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Chúa mang lại ánh sáng cho anh mù, Chúa đã biến đổi cuộc đời của anh, đưa anh vào một cuộc sống mới, cuộc đời mới mà chỉ có anh, người trải qua sự thương đau, mù lòa, tăm tối mới cảm nghiệm được ánh sáng quí trọng như thế nào? Ánh sáng nhận được từ Đức Giêsu Kitô cứu độ đã làm cho Bartimê thấy tất cả, tất cả đều bừng sáng, đều thức dậy trước mắt anh và nói một cách nào đó, anh đã được sinh ra một lần nữa trong một cuộc sống mới, cuộc sống hoàn toàn có ý nghĩa.
Tội lỗi đã vùi dập loài người. Sự dữ đã làm lu mờ đời sống của con người. Chính vì để qui tụ, đổi mới, tái sinh và cứu độ mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai tới trần gian. Nên, tất cả những ai đặt lòng tin vào Chúa Giêsu đều có thể được giải thoát, được cứu rỗi. Nhân loại nhờ tin vào Chúa Giêsu, Ngài đã đưa con người vào thế giới mới của Ngài, một thế giới loài người đã được đổi mới bằng ánh sáng đức tin và ân sủng của Đức Giêsu Kitô. Đức tin là một một khám phá, một sự đổi mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, là một cái nhìn mới của một con người đã được tái sinh, chan hòa ánh sáng như TV 36 viết: “... và nhờ ánh sáng của Chúa, chúng tôi nhìn thấy ánh sáng” và “ Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người”. Thế giới ấy là thế giới mới của Chúa Giêsu vì nơi Chúa ơn cứu độ chứa chan, ơn cứu rỗi lan tỏa ra mọi người khi tất cả đặt niềm tin nơi Chúa. Anh Bartimê được Chúa chữa lành, liền theo Đức Giêsu (Mc 10, 52).Được sáng mắt, đi theo Chúa Giêsu đối với Bartimê là một điều bình thường, là một sự tự nhiên. Nhân loại, người Kitô hữu, môn đệ không thể nào không bám sát, không theo Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu, người tín hữu càng sáng hơn, càng thấy tỏ tường hơn con đường họ phải đi để làm môn đệ Chúa. Trong con đường theo Chúa Giêsu, người tín hữu không được đứng nhìn lơ đễnh, bàng quang: họ phải dứt khóat chọn đi theo Chúa hoặc từ khước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn để kiên trì chờ đợi gặp Chúa và xin Chúa dủ thương chữa lành:” Lạy Chúa, xin thương xót con”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Clip TM CN 29 TN năm B

Ngày 18 tháng 10 năm 2015

Phúc Âm Mc 10, 35-45
" Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ"

Chúa Giêsu luôn nêu gương cho các môn đệ bài học khiêm tốn, bài học phục vụ và tuân phục ý Chúa Cha. Nhân việc hai môn đệ Giacôbê và Gioan muốn có chỗ danh dự trong vương quốc của Chúa, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và nhân loại về cách thức làm lớn theo cái nhìn mới của Ngài. Con đường làm lớn, theo Chúa Giêsu, là con đường phục vụ. Đây là cái nhìn hoàn toàn mới của Chúa Giêsu vì vào thời Chúa sống, những người làm lớn là những người thống trị, những người cầm đầu những người khác.Đối với Chúa Giêsu, người lớn nhất lại là người bé, là người phục vụ cho hết mọi người. Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai tới trần gian đã không đòi quyền thống trị, cầm đầu cầm cổ người khác mà đến để hầu hạ, đến để phục vụ. Theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì điều duy nhất phải có, phải hành động là qui tụ mọi người, giới thiệu Nước Trời, đem ơn cứu độ và xây dựng cộng đoàn huynh đệ, bác ái.Các môn đệ Chúa không thể đi con đường nào khác mà môn đệ phải sống như Chúa, phải làm như Chúa đã làm. Làm môn đệ có nghĩa là phục vụ. Giáo Hội do Chúa thiết lập cũng phải sống như Ngài và chỉ có một điều duy nhất: vương quyền Chúa hứa cho Giacôbê, Gioan và các môn đệ là hãy yêu thương như Ngài, uống chén đắng và hy sinh mạng sống (Ga 15, 13) vì anh em, vì nhân loại mình yêu mến như Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc sống để cứu độ mọi người.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Clip TM CN 28 TN năm B

Ngày 11 tháng 10 năm 2014

PHÚC ÂM: Mc 10, 17-27
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

Tin Mừng hôm nay trình bày cho mọi người về một câu chuyện hết sức thực tế, một chàng thanh niên đạo đức, muốn theo Chúa nhưng lại không muốn từ bỏ giàu sang. Đồng tiền làm anh hoa mắt, của cải làm anh mù tối, do đó, dù anh đã giữ mọi giới răn, xem ra con đường của anh đã rộng mở thênh thang, nhưng để bước một bước tốt đẹp hơn nữa, Chúa nói :” Anh hãy về bán hết những gì anh có, phân chia cho người nghèo khó và đi theo Ngài “. Chàng thanh niên đâu có làm theo lời Chúa, anh tiu ngỉu, cúi xầm mặt và bỏ đi…
Vâng, cái bi kịch của người thanh niên giầu có cũng là bi kịch của chúng ta. Chúng ta luôn có ước mơ chiếm được nước Trời nhưng đồng thời chúng ta vẫn bị ghì chặt bởi những của cải vật chất và tiền tài danh vọng. Của cải vật chất, tiền tài luôn có sức hấp dẫn thu hút chúng ta. Một đàng chúng ta muốn bỏ nó để bay cao, bay xa, nhưng đàng khác nó vẫn níu kéo chúng ta lại. Lòng ham mê của cải đã thắng con người, đã thắng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Lòng tham lam đã bóp nghẹt con tim của mình đến nỗi thánh Phaolô đã nói :” Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm “ ( Rm 7, 15 ). Đây là tội lỗi gây nên cho con người. Chỉ có Đức Kitô mới giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi.
Mọi Kitô hữu muốn sống đúng theo Tin Mừng, thì điều quan trọng là phải biết từ bỏ. Từ bỏ không có nghĩa là khinh chê của cải, bần cùng hóa xã hội, nhưng biết hòa mình, chia sẻ, quảng đại với mọi người. Đồng thời luôn ý thức đồng tiền, vật chất không thể nào mua được nước Trời.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Clip TM CN 27 TN năm B

Ngày 04 tháng 10 năm 2015

PHÚC ÂM: Mc 10, 2-16
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly"

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay đề cập tới một vấn đề căn bản, cốt yếu nhất của xã hội loài người: Gia đình.
Tin Mừng Mc 10, 2-16 như muốn đưa nhân loại và mọi người về những trang đầu của sách Khởi Nguyên khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người có nam có nữ để họ sống với nhau trong mối giây ràng buộc, bất khả phân ly của đôi lứa. Đây là gia đình đầu tiên của lịch sử con người.
Để trả lời vấn nạn của những người biệt phái: ”Người ta có được phép rẫy vợ không?”. Chúa Giêsu đã dùng đến sự kiện này, và cách nào đó, Chúa Giêsu đã đề cập đến gia đình, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.
Chúa Giêsu xác định lại tính thánh thiêng của bậc vợ chồng. Ngài có thái độ thật dứt khoát đối với đời sống lứa đôi: một vợ một chồng, bất khả phân ly. Chúa Giêsu lên án gắt gao tội dâm bôn, ngoại tình, trăng gió vv...Ngài mạnh mẽ kết án việc rẫy vợ, ly dị, ngoại trừ nố gian dâm. Chúa Giêsu luôn đề cao giá trị của hôn nhân, vì thế câu nói của Chúa Giêsu: ”Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly” là nền tảng vững chắc cho đời sống hôn nhân gia đình. Vợ chồng trở nên một huyết nhục trong sự tôn trọng, yêu thương nhau, đặt mình dưới quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nâng bậc hôn nhân lên hàng Bí Tích và mặc lại cho hôn nhân vẻ đẹp ban đầu đã bị tội lỗi làm cho lu mờ, che khuất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người biết bảo vệ đời sống hôn nhân gia đình Chúa đã biến nó trở nên Bí Tích.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Clip TM CN 26 TN năm B

Ngày 27 tháng 09 năm 2015

Phúc Âm: Mc 9, 38-43. 45. 47-48
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”

Chúa Giêsu không muốn con người, hay các môn đệ của Ngài đóng khung Ngài, đóng chốt quyền năng của Ngài trong nhóm này, nhóm kia, trong cộng đoàn này, cộng đoàn nọ.

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học đích đáng, bài học đó cũng là gương cho nhân loại ở muôn thời. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thân tín của Ngài hiểu rằng tự sức mình, tự con người mình, các môn đệ không thể làm được gì. Cái nhìn này cũng giống quan niệm của người Việt Nam: ”Không thầy đố mày làm nên”. Chúa Giêsu muốn vạch cho các môn đệ thấy phải tin vào Chúa, phải tin vào Danh của Ngài, lòng tin sẽ giúp các ông thắng vượt và làm được nhiều việc cao cả kể cả phép lạ và trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu. Ngài cũng dạy các môn đệ rằng đừng quá bảo thủ, cục bộ: lo bảo vệ đặc quyền, đặc lợi, bảo tồn những nét riêng biệt của nhóm, của phe mà loại trừ kẻ khác dẫu cho họ cũng tin vào Chúa và nhân danh Chúa. Những người này cũng phải được trân trọng, kính nể: ”làm phước cho ai dù chỉ cho họ uống một ly nước lạnh, tiếp đón, cho khách đỗ nhờ cũng đáng được trọng thưởng và làm cớ vấp phạm cho một em nhỏ cũng đáng bị trừng phạt, xô ngã”. Chúa muốn chỉ ra rằng Giáo Hội của Ngài do Ngài thiết lập luôn tồn tại vì có Chúa Thánh Thần ở cùng: ”Giáo Hội Chúa là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền” nên Hội Thánh không được tự đóng khung và loại trừ những ai không thuộc tổ chức của mình. Ơn cứu độ được trao ban cho mọi người nơi thập giá của Chúa Giêsu. Tin vào Chúa và nhân danh Chúa để phục vụ là tin nhận chính Đức Giêsu Kitô đang điều khiển Giáo Hội và chính Ngài đang tiếp tục làm phép lạ, xua trừ ma quỉ, xua trừ satan, sự dữ để mang lại hạnh phúc và an bình cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa là Đấng quyền năng và hay chạnh lòng thương xót.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Clip TM CN 25 TN năm B

Ngày 20 tháng 09 năm 2015

Phúc Âm: Mc 9, 30-37
"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."

Chúa Giêsu luôn yêu thương các môn đệ, cho dầu các ông có tranh dành nhau làm lớn, làm bé, cho dầu các ông có không hiểu đường đi của Chúa. Chúa vẫn yêu các ông, Ngài không bỏ mặc các môn đệ của Ngài với những ước vọng làm lớn của họ. Chúa không muốn để các môn đệ hư đi, Ngài muốn đưa các ông vào con đường Ngài đang đi… Ngài cho họ hiểu rằng con đường của Ngài là con đường ngược với sự suy tính hơn thiệt của họ. Con đường của Ngài là con đường tận hiến, hy sinh, thí mạng sống vì người khác. Đối với Chúa Giêsu, vương quốc của Ngài không thuộc thế giới này mà thuộc Nước Trời. Trong Nước Trời:” người làm lớn là người phải phục vụ “.” Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ “. Người làm lớn trong Nước Trời không phải là người ăn trên ngồi trốc mà là người đứng vào hàng rốt hết. Cuối cùng, các môn đệ hoặc chúng ta có muốn hầu hạ ai là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa trong họ, và các môn đệ hoặc chúng ta có được ai hầu hạ là vì họ muốn hầu hạ Chúa nơi chúng ta. Đây là bài học thực khó hiểu. Nhưng điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có mình Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.

Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay gợi ý vẫn có giá trị mãi mãi bao lâu xã hội trần gian còn tồn tại, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm dụng quyền hành đã ăn sâu vào con người, nhưng để bài học của Tin Mừng tác động mạnh mẽ nơi con người, nơi mỗi người, chúng ta phải nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Đấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã thành tôi tớ cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng tin để chúng con luôn nghĩ tới Chúa, Đấng đến để hầu hạ, chứ không phải để được hầu hạ. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Clip TM CN 24 TN năm B

Ngày 13 tháng 09 năm 2015

PHÚC ÂM: Mc 8, 27-35
"Ngài là Đức Kitô"

Con đường cứu thế của Chúa là con đường thập giá, con đường đau khổ. Sở dĩ Phêrô và các môn đệ đã chưa nhận ra được con đường của Thầy: đau khổ, chết trên thập giá và phục sinh khải hoàn là bởi các ông chưa được Thánh Thần soi sáng, tác động. Phêrô và các môn đệ khác chỉ có thể nhận ra con đường cứu độ của Chúa sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Chữ Kitô có nghĩa gắn liền với thập giá. Mang danh hiệu Kitô hữu cũng có nghĩa gắn liền với sự đau khổ và thập giá của Đức Kitô. Phêrô và các môn đệ khác đã sống tới cùng tận lời tuyên xưng của mình; tất cả đều chết như Đức Kitô. Thập giá là tình yêu. Do đó, Chúa nói:” Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta” (Mc 8, 34). Thập giá không là cây gỗ bất động, nhưng là cây sự sống mang lại quả phúc đời đời. Lời mời gọi của Chúa có tính hoàn toàn tự do. Chúa không bắt buộc ta chọn hay khước từ thập giá, nhưng Chúa cho ta hoàn toàn tự do chọn hay khước từ lời mời gọi của Chúa. Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nếu không, đạo công giáo chỉ là một thứ đạo đầy ải, làm khổ, đầy đoạ mình; Chúa nói chúng ta vác thập giá mình. Vác thập giá nghĩa là từ bỏ tất cả, từ bỏ mọi sự và sẵn sàng liều ngay cả mạng sống của mình. Chúa không bao giờ bắt chúng ta vác nặng quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúng ta có thể khước từ thập giá bằng nhiều cách hoặc từ khước ân huệ sự sống là món quà vô giá Chúa ban tặng, hoặc chúng ta đóng kín cõi lòng, không biết mở ra cho người khác như kẻ đói chúng ta không cho ăn, kẻ khát chúng ta không cho uống, kẻ rách rưới, trần truồng chúng ta không cho mặc vv… Đó là cách khước từ thập giá mà con người hằng ngày và thường xuyên bị cám dỗ, thử thách. Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai cũng viết rõ: ”Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Đức tin gắn liền với lòng yêu mến. “Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” ( Mc 8, 35 ). Từ bỏ, hy sinh, liều mạng sống sẽ tìm được mối lợi là Đức Kitô. Nói như thánh Phaolô:” Tôi chỉ biết có một Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá”.

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?”. Câu hỏi đó vẫn được đặt ra cho mỗi người chúng ta từng phút, từng giờ, từng ngày trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con chỉ một lòng mến Chúa và yêu tha nhân. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Clip TM: CN 23 TN năm B

PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37
"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Quan niệm của người Do Thái cho rằng người mắc các chứng bệnh nan y như  què quặt, mù, điếc, câm, cùi, hủi vv...là những người tội lỗi do chính họ gây nên hay cha mẹ của họ mắc phải. Hậu quả tật nguyền, bệnh hoạn của những người này là do tội gây ra. Như thế, họ đã bị đánh mất chỗ đứng trong xã hội loài người.
Phép lạ của Chúa Giêsu làm cho người vừa câm vừa điếc được lành cũng có nghĩa Chúa Giêsu đưa họ về lại đời sống bình thường, trả lại cho họ địa vị làm con Chúa, địa vị làm người như mọi người.
Dân chúng chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm đã không ngớt tán dương, ca tụng Ngài: ”Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả” (Mc 7, 37) và như thế làm ta liên tưởng tới đoạn sách Khởi Nguyên 1,31: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả rất tốt đẹp”. Chúa Giêsu đến trần gian để tái tạo lại bộ mặt của vũ trụ, trả lại địa vị của con người, Ngài muốn cứu độ mọi người, qui tụ mọi người: việc Chúa chữa lành, nuôi sống con người là dấu chỉ của thời Cứu Độ, của Nước Trời. Dấu chỉ này nói lên sự có mặt của Ngài giữa nhân loại, giữa con người.

Chúa mời gọi mọi người, đặc biệt những người Kitô hữu bắt tay xây dựng Nước Trời, làm đẹp bộ mặt trái đất. Những thái độ cởi mở, những việc làm tốt như chia sẻ cơm áo, quảng đại, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng trong đó mọi người đều được tôn trọng và yêu thương là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa con người, giữa loài người.
Người Kitô hữu luôn phải sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi của Chúa cũng là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ và mọi người:” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”( Mt 28, 19 ).
Trở thành môn đệ của Chúa, tuân giữ lời Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống, làm cho nhiều người trở về với Chúa trong sự hiệp nhất, yêu thương là xây dựng Nước Trời ở giữa trần gian này.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được mau mắn, chóng vánh loan báo Tin Mừng và xây dựng nước trời cho muôn người.


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Clip TM CN 22 TN năm B

PHÚC ÂM: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Chúa Giêsu là một một con người hoàn toàn tự do, một con người giải phóng, một con người có quan niệm hoàn toàn mới, cái nhìn mới, cái nhìn thông thoáng về lề luật. Ngài chống lại những con người giả hình, vụ hình thức, những con người chỉ áp đặt trên vai những người khác ách nặng nề của lề luật do họ nghĩ, do họ bày đặt ra mà quên đi  cái cốt lõi là con tim của mình. Chúa Giêsu bảo vệ điều răn của Thiên Chúa, chống lại những thay thế truyền thống của người phàm trần.
Đối với Chúa Giêsu giữ tỉ mỉ, chi tiết từng khoản luật mà quên đi cái cốt lõi của đạo là lòng mến: đó là giả hình. Chúa Giêsu đã từng vạch mặt chỉ tên những kẻ giả hình dù họ thuộc hàng chóp bu lãnh đạo tôn giáo, hay họ là những kẻ cầm cân nẩy mực trong lãnh vực tôn giáo. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố:” Ngài đến không phải để phá lề luật mà để làm cho nên trọn”. Chúa Giêsu mời gọi con người tuân theo điều, và những gì Thiên Chúa đã thiết lập, truyền cho dân phải tuân giữ.
Người Kitô hữu vẫn không tránh khỏi những cám dỗ làm lấy lệ, giữ đạo cho qua. Đạo của Chúa không phải chỉ đọc đôi ba kinh trong nhà thờ, tới nhà thờ dự lễ, cầu kinh là đủ, để khỏi áy náy lương tâm. Đạo cốt thiết là đạo tình thương: chính từ trong phát xuất ra những điều tốt và những điều xấu. Những việc làm từ thiện, bác ái, những việc đạo đức bề ngoài xem ra rất có giá trị nếu chúng được làm với con tim, với ý ngay lành, với việc tuân thủ ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, các ngôn sứ, nhất là Isaia đã từng nhắc nhở: ”Dân này chỉ thờ phượng Ta ngoài môi miệng, còn lòng trí của chúng thì xa Ta” và  Isaia nhấn mạnh:”...Hãy chấm dứt làm điều dữ. Hãy học làm điều lành... Hãy bênh vực những kẻ goá bụa, mồ côi, neo đơn” và thánh Giacôbê trong bài đọc 2 đã viết:” Lòng đạo đức tinh tuyền và không chê trách được trước mặt Thiên Chúa Cha, ấy là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cơn cùng khốn, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”( Gc 1, 27 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và thực thi  cái cốt lõi của đạo là Tình Thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Clip TM CN 21 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".

Khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống, bánh trường sinh, bánh cứu độ (Ga 6, 51), thịt của Ngài là của ăn đích thực, máu của Ngài là của uống đích thực (Ga 6, 55), thì đã có nhiều người Do Thái chướng tai, gai mắt, ngay cả một số môn đệ của Chúa cũng không chấp nhận nổi, đã bỏ Ngài mà đi.
Sở dĩ có vô số người và một số môn đệ Chúa Giêsu đã không hiểu được cuộc sống và cái chết của Chúa vì họ vẫn suy nghĩ theo kiểu trần thế, họ chưa vươn cao lên, chưa nhìn mọi sự thuộc về trên cao, chưa hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa.
Chỉ có những ai có con tim trong sạch, ý hướng ngay lành, ưa làm điều thiện, yêu thương kẻ khác mới nhận ra và đón nhận được cuộc sống, và ngay cả cái chết của Chúa Giêsu. Chỉ những ai biết cảm thông, tha thứ, quảng đại với người khác mới hiểu được ý  nghĩa cao vời của tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu và mới không thấy chói tai về câu nói của Chúa Giêsu.
Ngay cả nhóm mười hai, những môn đệ đầu tiên được Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng Chúa cũng đòi hỏi các ông phải nói lên sự chọn lựa dấn thân và tuyên xưng lòng tin, công khai nói lên sự chọn lựa dấn thân của họ
Lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô cũng là lời tuyên tín của Hội Thánh và mọi người Kitô hữu. Một lời tuyên xưng đức tin như thế làm nền tảng cho sự lựa chọn dấn thân vì Tin Mừng và vì phần rỗi của tha nhân và của chính bản thân mình. Tuyên xưng như thế là tin vào: ”Lời của Thầy ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Tin vào Lời của Chúa có nghĩa là chấp nhận cuộc sống của Chúa, làm theo Chúa, hy sinh bản thân cho phần rỗi và hạnh phúc của con người. Tin nhận Chúa và để cho Chúa xâm chiếm toàn thể cuộc đời là chấp nhận một tình yêu đã trở nên tuyệt đỉnh, tình yêu cao vời, đành mất tất cả, tình yêu đã trở nên cứu độ.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Clip TM CN 20 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 51-58
"Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống".
Chúa Giêsu đã thực hiện sứ mạng cứu rỗi của Ngài qua việc rao giảng, qua việc làm, cuộc sống và nhất là qua cái chết trên thập giá. Ngài đã biểu lộ lòng yêu thương tha thứ của Ngài qua cái chết thập giá “Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người về với Ta “. Lời của Chúa Giêsu đã được thực hiện nơi cái tận cùng của đời Ngài là cái chết vì tình yêu, cái chết hy sinh, khước từ lợi lộc: ”Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Chúa chết, Ngài đã để lại cho nhân loại thịt và máu của Người: đó là Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích huyền diệu mang lại sự sống mới, sự sống đời đời cho nhân loại, cho mỗi người. Ăn thịt và uống máu của Chúa theo thánh Gioan ở đây là hòa nhập vào Chúa, tin và hiểu Ngài như Ngài muốn nhân loại hiểu về Ngài là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để lôi kéo mọi người về cùng Cha. Cha Tad W.Guzie, S.J. đã viết: ”Trên thập giá, một con người đã chết để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11, 52).
Trong Bí Tích Thánh Thể, có bánh được bẻ ra, và chén rượu được chia sẻ. Bánh làm cho tất cả những hạt lúa rải rác khắp nương đồng nên một, bánh nói về một thân thể được trao ban vì sự sống thế gian. Rượu được làm từ những trái nho hái từ các cành của cây nho, Ngài là cây nho, còn chúng ta là cành. Ai tuyên xưng sự chết của Chúa Giêsu bằng cách ăn bánh và chia sẻ chén ấy đều dấn thân hoạt động cho sự hiệp nhất, cho việc làm nên một thân mình duy nhất “. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình làm bánh, làm của ăn nuôi sống nhân loại, củng cố đức tin của người Kitô hữu qua Bí Tích Thánh Thể hằng ngày trên khắp thế giới. Nhân loại và người Kitô hữu được mời gọi chịu lấy mình và máu Chúa Kitô. Chịu lễ đích thực là nhận lấy chính Chúa, hòa nhập vào đời sống của Ngài, noi theo bắt chươc cuộc đời của Chúa và tìm hiểu Lời Chúa bằng cách thực thi những điều Chúa đã làm, đã sống, đã kinh qua trần gian này để mang lại tình thương và hạnh phúc cho loài người. Sống như vậy, hay nói một cách khác, chịu lấy Mình và Máu của Chúa là sống chíng cuộc sống của Ngài, sống nhờ Ngài và qua Ngài, con người có sự sống đời đời. Chịu lấy Mình và Máu Chúa Kitô là ta “đâm rễ sâu vào Mầu Nhiệm Ba Ngôi, xây dựng trên tình yêu Ba Ngôi, mang lại sự sống Ba Ngôi, biểu lộ tình yêu Ba Ngôi, và cuối cùng đưa ta vào quỹ đạo tình yêu Ba Ngôi”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến Mình và Máu của Chúa. Amen.


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Clip Tin Mừng: CN 19 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 41-51
"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".

Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu độ nhân loại: Ngài là Bánh hằng sống vì Ngài là Đấng ban sự sống (Ga 6, 48-50 ).

Chúa Giêsu cho nhân loại sự sống từ trời vì Ngài đã từ trời xuống trần gian.
Chúa Giêsu ban cho nhân loại sự sống đời đời vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống.
Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống vĩnh cửu vì Ngài dẫn nhân loại đến cùng Thiên Chúa Cha.

Lời loan báo, xác nhận: ”Tôi là bánh trường sinh” của Chúa Giêsu nói lên một sự thật quan trọng và là trung tâm đức tin của người Kitô hữu: “con người không những là phải tin nhận mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời” (Ga 6, 54).

Khi Chúa Giêsu nói lên điều đó, Ngài không có ý nói: con người chỉ nôm na đi lễ, dự dễ và chịu lễ thế là đủ. Tiệc Thánh Thể là Bí Tích tình yêu, Bí Tích của lòng tin. Bánh cũng có nghĩa là Lời của Chúaănlắng nghe Lời Chúa.

Thánh Lễ hằng ngày nhân loại tham dự luôn gồm hai phần, phần Lời Chúa và phần Thánh Thể. Lời của Chúa cũng như Bánh và Rượu cần phải được chia sẻ như Thịt và Máu của Chúa.

Chịu lấy Bánh trường sinh là đi trọn con đường tình yêu của Chúa, con đường đức tin, con đường thập giá để đạt tới vinh quang Nước Trời. Đi con đường của Chúa là nhận lấy sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho tha nhân, cho muôn người như lời Chúa nói: ”...Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”( Mt 28, 19 ).

Trong cuộc hành trình đức tin, dân Chúa không chỉ có lương thực hàng ngày như manna, như cơm áo gạo tiền, nhưng dân Chúa còn cần tới chính Chúa Giêsu, Đấng dẫn đưa dân Ngài vào quan hệ thân mật với Thiên Chúa Cha. Chúa và Giáo Hội mời gọi con người vươn cao hơn để tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa và đó là sự sống vĩnh cửu con người đang được mời gọi đạt tới.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT




Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Clip Tin Mừng: CN 18 TN năm B

Ngang qua các phép lạ, nhất là phép lạ bánh và cá, Đức Giêsu muốn đưa con người hướng đến Mầu nhiệm Cứu rỗi. Ngài là bánh đích thực, con người phải đón nhận với tất cả lòng tin. Tình yêu thương tuyệt đỉnh của Ngài được thực hiện nơi thập giá mà Bí Tích Thánh Thể đã hiện tại hóa con người Đức Kitô cho mọi thời. Con người lãnh nhận lấy nguồn sống là chính Đức Kitô, bánh Manna Chúa ban cho dân Israel khi xưa trong sa mạc và bánh hóa nhiều khắc họa lại hình bóng của Ngài. Lời mạc khải của Tin Mừng Ga 6, 35 ”Bánh sự sống, chính là Ta” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Gioan. Phép lạ Chúa thường làm luôn là lời chứng về quyền năng của Chúa, nhưng chính sự mạc khải về Chúa mới là nguồn sống đích thực cho con người mọi thời. Do đó, phép lạ là bước đầu để con người tin vào quyền năng của Chúa.
Chúa Giêsu qua muôn thời, muôn thế hệ muốn gửi tới nhân loại sứ điệp tình yêu. Tình yêu của Ngài chỉ có thể thực hiện nơi thập giá. Chính nơi thập giá, con người mới nhận ra mạc khải lớn lao và tuyệt đối của tình yêu Đức Kitô đối với nhân loại.
Hôm nay, Đức Kitô dạy ta: lương thực, cơm bánh ở trần gian cần thật, nhưng ngoài sự sống mỏng manh, chóng tàn ở thế giới trần gian này, còn có gì khác hơn nữa? Ngài dẫn lối cho chúng ta về đời sống vĩnh cửu:” Bánh sự sống chính là Ta ! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” ( Ga 6, 35 ).
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và thánh cả Giuse giúp ta hiểu được sự sống vĩnh cửu là Đức Kitô, Bánh hằng sống dưỡng nuôi con người. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Clip Tin Mừng: CN 17 TN năm B

Ngày 26 tháng 07 năm 2015
PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".

Từ muôn thuở người ta vẫn không khỏi ngạc nhiên về phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi nhiều ngàn người ăn. Nếu không có đức tin nhân loại sẽ không bao giờ có thể hiểu nổi sự lạ lùng Chúa đã làm cho con người lúc đó, đang đói, đang khát về mọi mặt.
Điều con người không thể tưởng, không thể nghĩ, không thể làm được, Chúa Giêsu với tình thương của Ngài đã thực hiện cách dễ dàng khi Ngài bảo các môn đệ phân phối cho dân chúng. Phép lạ đã xãy ra khi Chúa Giêsu nói con người làm cử chỉ chia sẻ cho nhau, một cử chỉ mà con người hay chính ngay các môn đệ cũng ngại làm vì sợ mất giờ, vì sợ mệt, sợ nhọc vv... Phép lạ đã xãy ra khi con người đặt niềm tin vào quyền năng của Chúa. Phép lạ bánh và cá hóa nên nhiều cũng được coi tượng trưng cho Bí Tích Thánh Thể, bí tích tình thương mà Chúa Giêsu vì yêu thương nhân loại, vì phần rỗi của mọi người, Người đã kê vai gánh tội cho nhân loại đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình vì con người, để ban cho con người và nhân loại ơn Cứu Chuộc. Chúa Giêsu mời gọi con người lãnh nhận Mình và Máu của Chúa vì đó là Thần lương đích thực nuôi sống con người. Sự chia sẻ là dấu chỉ của tình thương, của hiệp nhất, của cảm thông. Thánh Phaolô không chấp nhận những trục trặc, những chia rẽ trong cộng đoàn vì nó phản chứng điều Bí Tích Thánh Thể muốn trình bày, muốn làm nổi bật. Chúa kêu mời con người chia sẻ không phải chỉ những gì dư thừa mà còn cả những nhu cầu cần thiết trong thực tế, trong đời thường như của ăn, của mặc, khả năng, trí tuệ, chất xám vv... Hiểu như thế, con người sẽ sống thật hạnh phúc vì thực hiện đúng lời Chúa mời gọi.


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT




Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Clip Tin Mừng: CN 16 TN năm B


Chúa Giêsu đã không ngừng gặp gỡ dân của Ngài, mỗi lần tiếp xúc, mỗi lần giảng dậy, loan báo một sứ điệp, Chúa Giêsu luôn tỏ ra ân cần, Ngài thấy trước những nhu cầu, những khát vọng của dân. Phép lạ vẫn xẩy ra khi con người có lòng tin, khi con người sẵn sàng cộng tác với Chúa. Chúa làm phép lạ cho cá  và bánh hóa ra nhiều để nuôi đoàn lũ đông đảo dân chúng đi theo Ngài. Trước  khi làm phép lạ, Chúa đã trao ban cho họ lời sự thật, lời hằng sống. Chúa trao  cho dân những gì là quí nhất, những gì là đẹp nhất của Ngài. Ngài chạnh thương  đám đông, đang náo nức kéo đến và háo hức gặp Chúa Giêsu cùng các môn đệ  của Ngài vì thực ra họ không biết đi đâu. Đám đông dân chúng không biết phải  nói gì, nhưng họ đang chờ đợi, và đợi chờ tất cả nơi Chúa. Sự nô nức, nôn nao,  háo hức của đám đông dân chúng đã được Chúa đáp trả bằng tình thương của  Ngài. Chúa đã nói với họ bằng lời sự sống, Ngài đã mở mắt cho họ và khơi dậy  trong lòng họ ngọn lửa đức tin để họ nhận ra Chúa Giêsu và các môn đệ của  Ngài. Ở muôn thời, Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ và phép lạ lớn nhất là chính  phép lạ Chúa sống lại khải hoàn sau khi yêu nhân loại đến hy sinh cả mạng sống  của mình. Chúa tiếp tục mời gọi nhân loại tin và sống kết hiệp với Ngài, để đón  nhận sức sống mới, sự sống vĩnh cửu của Ngài và sống theo ý của Ngài. Phép lạ đã xẩy ra sau khi Chúa thấy đám đông nhiệt tình theo Chúa để lắng nghe Chúa  dậy bảo...Chúa không những nuôi nhân loại bằng Lời, nhưng còn cả bằng lương thực trần gian. Chúa là một con người rất thực tế, gần gũi và hiểu con người. Tin  Mừng là con người, là Đức Giêsu Kitô và tin vào Đức Kitô, phép lạ vẫn tiếp tục  xẩy ra trong cuộc sống...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm Chúa đang có mặt và đồng hành với chúng con từng phút giây trong cuộc đời.



Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Clip Tin Mừng CN 15 TN năm B

Phúc Âm Mc 6, 7-13
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã ý thức trách nhiệm và sứ mạng của mình, ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một dân tộc, một nhóm người, hay một số dân được ưu tuyển nào. Nhưng ơn cứu rỗi thuộc về mọi người: mỗi người đều có giá trị như nhau trước mặt Chúa và mỗi người đều có bổn phận thực hiện sứ vụ rao giảng, qui tụ, đi tìm con chiên lạc và đưa chúng vào đồng cỏ xanh tươi, vào ràn chiên duy nhất của Chúa. Sứ mạng này, Chúa Giêsu cần nhiều người tiếp nối vì tính cách khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng.
Loan báo Tin Mừng Đức Kitô là một nhiệm vụ quan trọng, cao cả, nên Chúa đòi hỏi nơi các môn đệ một sự “đi ra” trọn vẹn, một sự phó thác tuyệt đối vào Chúa. Các môn đệ phải ra đi với phong cách thanh thản, không lo âu, không bồn chồn, không bối rối, kèn cựa. Các môn đệ phải vượt lên trên mối bận tâm đến bao bị, tiền bạc, vật chất. Các môn đệ được mời gọi hy sinh tất cả cho sứ mạng truyền giáo, v.v … Các môn đệ chỉ làm công việc của Thiên Chúa mà thôi.
Khi sai các tông đồ đi rao giảng, Chúa đã ban quyền cho các ông để các ông thực hiện sứ vụ. Giáo Hội và mỗi người chúng ta cũng thế. Chúng ta được sai đi để rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, giới thiệu một trật tự thế giới mới. Nhưng liệu sứ mạng Chúa Giêsu trao cho mỗi người và những lời căn dặn chí thiết của Chúa Giêsu có được chúng ta quan tâm đúng mức khi thực hiện không?
Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu có được rao giảng cách sống động nơi đời sống của chúng ta không hay các sứ giả của Chúa chỉ nói một cách hời hợt. Và đời sống của những chứng nhân Tin Mừng chỉ minh chứng những điều không thuộc về Chúa Giêsu.
Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo và mọi người đã ý thức sứ mạng cao cả ấy chưa?
Loan báo Nước Trời, trình bày một trật tự mới có theo ý Chúa hay người được sai đi chỉ muốn củng cố uy tín cá nhân, tên tuổi của mình hay của tập thể?
Để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, môn đệ của Chúa sẽ phải đối diện với những thử thách, bên trong cũng như bên ngoài. Nhưng nếu gắn bó với Chúa, người môn đệ sẽ vượt thắng tất cả vì mọi lời rao giảng chỉ có giá trị khi chúng bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, khi chúng khởi đi từ lòng can đảm, tin tưởng khiêm hạ của người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm hồn sẵn sàng, trái tim nhạy cảm để mau mắn rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Clip: Tin Mừng CN14 TN năm B

Phúc Âm Mc 6, 1-6
Người lấy làm lạ vì họ không tin
Phản ứng của những người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu cũng có thể là những cám dỗ, những thử thách của nhân loại hôm nay, cho đến muôn thuở. Người Kitô hữu vẫn có thể tự mãn với danh hiệu Kitô của mình. Người Kitô hữu có thể tự hào, tự mãn vì mình đã học giáo lý, đã đọc Tin Mừng, đã đi lễ, đã đọc kinh, nhưng đời sống lại không phù hợp, không đi đúng với Tin Mừng. Lời Chúa rao giảng luôn đi đôi với việc làm. Chúa Giêsu đã không nói suông, nói lý thuyết, nói ngoài môi miệng, nhưng Ngài đã luôn nói và làm. Chúa nói:" Hãy yêu thương nhau", Ngài đã thực hiện điều đómột cách tận căn. Ngài đã yêu và yêu cho đến cùng, Ngài đã yêu, đã hy sinh chính cả mạng sống mình vì người mình yêu: "Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình vì người mình yêu "( Ga 15, 13 ). Người Kitô hữu được mời gọi lắng nghe và đem thực hành lời Chúa trong đời sống. Những biến cố, những sự việc xẩy ra trong cuộc đời, trong xã hội, trên thế giới được Chúa mời gọi con người hãy biết nhìn chúng với ánh sáng Tin Mừng của Ngài. Giáo Hội và con người được Chúa trao  sứ mạng  rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô. Nên, rao giảng không chỉ đóng khung trong những kiến thức có sẵn mà còn phải lắng nghe, đào sâu và loan báo chính Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa, xin thánh hoá cuộc sống mỗi ngày của chúng con, để chúng con luôn biết cảm tạ tri ân Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con sống sung mãn ơn Chúa mọi giây, mọi phút, xin cho chúng con trở nên những nhân chứng tình yêu đích thực của Chúa trước mặt mọi người.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Là anh em của Chúa.

"Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta"  (Mc 3, 35)
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha. 

Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em.
Amen.
    (Rabbouni, 33)