Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Lời nguyện đầu tuần

Thứ hai, ngày 30-09-2013

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa
Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất". 
(Lc 9, 46-48)

Lạy Chúa, một tuần lễ mới đang mở ra cho con. Xin cho con biết đem an hoà vào những nơi tranh chấp, và làm cho đời sống con biểu lộ phản ánh lòng từ bi của Chúa. Xin giúp con biết yêu thương và thể hiện tình yêu đó bằng đời sống của chính con.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chân dung Chúa Kitô

Chiara Lucbich, lúc ấy là một cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Một lần nọ, mẹ cô sai cô đi mua sữa cho em. Trên
đường đi, cô cảm thấy tiếng Chúa gọi cô đến hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Năm 1943, Chiara Lubich đã bắt đầu vẽ lại chân dung Chúa Kitô bằng việc khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô". Cô quyết tâm hoạ lại chân dung Chúa Giêsu bằng cách sống 3 lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, khó nghèo và Vâng phục. Trong thế chiến thứ 2, cô bám lại Trento để phục vụ cho các bệnh nhân trong chiến tranh, nhất là những người bị bỏ rơi, bị đời xua đuổi...  Cô đã nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và đã dùng cuộc đời mình để khắc hoạ lại những gì cô cảm nhận để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Chân dung Đức Kitô mà cô thực hiện đã chinh phục nhiều thanh niên, thiếu nữ có lòng yêu mến sự thật. Và vì thế, ngày nay, phong trào Focolare đã phát triển khắp nơi trên thế giới.

Camillo Lellis (1550-1614), thuở thiếu thời, là một quân nhân. Anh chỉ biết ăn chơi đua đòi phóng đãng. Anh
sống sa đoạ đến nỗi phải vào bệnh viện để chữa trị. Tại đây, những đau đớn của chính bản thân cộng thêm những rên siết của những bệnh nhân chung quanh, đã làm anh xúc động sâu xa. Anh đã đi đến quyết định sửa đổi đời sống. Sau khi hồi tâm trở về, Camillo bắt đầu công việc tạc ảnh tượng Chúa Giêsu bằng chính sự tự nguyện giúp việc tại bệnh viện và xin gia nhập dòng Phanxicô. Cảm nghiệm sâu xa về điều Chúa Giêsu đã nói: Khi Ta đau yếu, các con đã thăm viếng Ta, nên sau khi thụ phong linh mục, ngài đã lập một Dòng tu chuyên chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo khổ. Dòng ấy có lời khấn thứ tư là phải hoàn toàn dấn thân cho bệnh nhân bất chấp bệnh truyền nhiễm. Về sau, mắc dù bị chứng nhức đầu, lở loét bao tử hành hạ, nhưng ngài vẫn vui vẻ chăm sóc bệnh nhân. Ngài bình thản chịu đựng mọi tủi nhục khổ đau và thường nói: "Tôi hằng ao ước có một trái tim rộng lớn như thế giới để bao phủ thế giới bằng ngọn lửa của lòng bác ái đang bốc cháy trong tôi."
(Nguồn: Người lữ hành trên đường hy vọng)

Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" (Lc 9,20)

Lạy Chúa, mỗi người chúng con, dù muốn hay không, đều đang khắc hoạ lại hình ảnh của Chúa bằng đời sống của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng thời giờ, khả năng, sức lực một cách ích lợi nhất cho Nước Chúa và cho anh em. 

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Được sai đi trong thế giới @

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. (Lc 9, 2)

Trong một cuộc họp mặt của giới trẻ ở nước Anh. Các thanh niên nam nữ từ nhiều quốc gia đến bàn bạc
thảo luận phương thế để "Tin Mừng" của Đức Kitô được phổ biến khắp nơi. Họ nói về việc rao giảng bằng những phương tiện in ấn và truyền thông điện tử, bằng các cuốn sách nhỏ và bằng các bài giảng trên đài phát thanh. Họ nói về các băng hình video, ...
Kế đó, một cô gái đến từ Trung Phi phát biểu. Cô nói: "Khi chúng tôi muốn đem sứ điệp của Đức Kitô đến một ngôi làng, chúng tôi không cần gửi đến họ những nhà thuyết giảng hoặc sách vở. Chúng ta chọn một gia đình Kitô giáo tốt lành đến sống trong làng. Gương sáng của những Kitô hữu này sẽ làm thay đổi ngôi làng".

Tôi nhận ra điều thiết thực của Kitô giáo là ở chỗ này. Tôi được sai đi loan báo Tin Mừng và cách thức loan báo chính là "sống" niềm tin mình đã lãnh nhận. Sống niềm tin trong chính bổn phận hàng ngày của tôi, chứ không phải chỉ "nói" huyên thuyên những điều tôi hiểu biết. Đối với tôi, đó là một lời mời gọi thật sự. Có như thế thì tôi mới làm cho Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với những ai mà tôi tiếp xúc. Có như thể thì tôi mới nói được rằng Thiên Chúa đang sống giữa anh em.

Lạy Chúa, con nói về Tin Mừng của Chúa thì lưu loát, thì mạnh dạn lắm. Nhưng con lại lúng túng, lại toan tính trong những quan hệ cư xử đời thường. Con chưa dám chịu thua thiệt vì Tin Mừng để anh em được "chữa lành".  Xin giúp con thánh hoá bổn phận của con. Xin giúp con thánh hoá người khác nhờ bổn phận của con và thánh hoá chính mình con trong bổn phận hàng ngày.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Được làm con Chúa thì có gì là hay?

Đức Giêsu trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". (Lc 8, 21)

Điều kiện để được nhận là người nhà của Đấng quyền năng của vũ trụ này chỉ đơn giản như vậy thôi sao?
Nếu thế thì hạnh phúc đời tôi giản đơn hơn tôi tưởng. Mà thật sự chỉ đơn giản như vậy mà thôi!



Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy
sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.






Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy màu sắc.
Màu xanh của cỏ non, màu hồng của trái chín,
màu vàng mặt trời xế chiều.



Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con
một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.








Cha từ ái biết bao khi ban cho chúng con 
một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
Hương thơm của nắng xuân dìu dịu.






Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng 
của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẻ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dánh Cha.





Xin cho chúng con biết chung sống với thiên nhiên nàynhư một người bạn, một quà tặng Cha ban, biết giữ gìn ngôi nhà trái đất để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt, và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên được cùng với cả nhân loại chúng con vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Chúa. Amen
(Rabbouni)



Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

... Ai có sẽ được cho thêm

"Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất." (Lc 8, 18)

Tôi cảm thấy khó hiểu về cách nói ẩn dụ này của Chúa Giêsu. Nhưng một câu chuyện nhỏ đã giúp tôi hiểu ra vấn đề:

Thánh Gioan Maria Vianney được làm linh mục nhờ phép "chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài mới được thụ phong linh mục. Khi đã làm linh mục, Chúa đã ban cho ngài lắm ơn đặc biệt để cứu các linh hồn cho đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp". Nhưng dù vậy, ngài vẫn không ỷ lại vào ơn thánh. Cứ mỗi sáng thứ hai, ngài mang giấy bút lên phòng thánh để dọn bài giảng Chúa nhật sắp tới. Sau này, người ta còn giữ lại được một tủ sách khá lớn của ngài.

Phải chăng khi xưa, cha thánh Vianney đã không có các khả năng cần thiết để làm linh mục. Nhưng mặt khác, ngài lại "" lòng sốt mến đặc biệt. Ngài "" lòng khiêm tốn và bền chí phó thác hành trình của mình cho Chúa. Nhờ vậy, Chúa đã "cho thêm" ngài những hồng ân thật đặc biệt.
Về sau, ngài đã được phong hiển thánh và còn là bổn mạng của các cha xứ mới đáng nể chứ. Suy nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ lại lời kinh Magnificat: "...Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không."

Lạy Chúa, con có khả năng làm nhiều việc, có tài ăn nói. Con có kiến thức, học xa trông rộng, con đạt được nhiều thành công ở đời, ... Nhưng tất cả những điều ấy mà thiếu lòng yêu mến Chúa, thiếu sự khiêm tốn và phó thác thì nó chỉ phục vụ cho bản thân con mà thôi. Xin cho con biết dùng những khả năng của con để sinh ích lợi cho Nước Chúa.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Anh hãy theo Tôi

... Ngày ấy, cuộc sống của tôi càng náo-nhiệt vội-vã, đong đầy tham-vọng bao nhiêu thì mặc khải Thiên
Chúa tỏ lộ cho tôi càng nhẹ-nhàng, chậm-rãi và tinh-vi bấy nhiêu. Cái trái nghịch quá rõ ràng này làm tôi ngỡ
 ngàng kinh ngạc khi đọc lại các biến cố từng diễn ra trong cuộc đời tôi.
Hồi ấy, Thiên Chúa  không là gì cũng chả là ai hết, mặc dầu tôi đã ”làm đủ mọi sự” - như người ta nói - đó là: học giáo lý, lãnh các bí tích và tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cũng như các ngày Lễ Buộc. Cuộc sống đạo đức thân thương này bị tản-mác bị phân-phối và rồi tôi dẹp nó qua một bên, xét vì nó không mang lại cho tôi lợi ích nào cũng không có gì hấp dẫn đáng chú ý. Trong khi đó cuộc sống do chính tôi xây dựng mới đáng kể. Nó là thành công và là sự nghiệp sáng chói! Tôi thoải mái trong công ăn việc làm và mọi sự diễn tiến tốt đẹp.
Thế rồi đùng một cái, vào năm 40 tuổi, tôi bị bế-tắc trong nghề nghiệp vì lâm vào tình cảnh rắc-rối. Tôi bèn quyết định thoát ra thảm trạng và bẻ gãy cái chu kỳ làm việc quá mệt mỏi. Có lẽ vẫn còn bị ám ảnh bởi các thành tích nên tôi lao mình vào cuộc hành trình đi bộ tiến về Santiago de Compostella bên nước Tây-ban-nha. Lộ trình của nó tôi biết quá rõ nên hăng hái lên đường một mình với chiếc balô mang trên lưng. Tôi ý thức mình phải đặt lại vấn đề, phải suy tư về các điểm chính yếu trong cuộc đời tôi và đặt hành lý xuống.
Trên đường đi vạn dặm tôi khám phá ra hành trình chính là gặp gỡ. Cuộc đời chính là mối quan hệ là các giao tế. Tôi gặp gỡ và quen biết đủ thứ hạng người với ánh nhìn cởi mở và khoan dung. Ngày 11 tháng 8 lễ thánh nữ Clara tôi bước vào một tu viện tiếp đón khách hành hương và tôi tham dự Thánh Lễ. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Vì sao và bởi ai? Tôi không biết! Tôi chỉ biết rằng trong thoáng giây tôi bỗng bồi hồi nhớ lại các chặng đường quá khứ. Và điều này gây lợi ích lớn lao cho tôi. Nó trở thành chuyện không thể cưỡng lại được. Từ từ, tôi làm một nối kết ở mỗi cuộc gặp gỡ trên đường đi, giữa mỗi một người tôi gặp và .. Thiên Chúa. Và tôi ngạc nhiên reo lên: Và nếu Thiên Chúa  là mối giao hảo?

Chính trong cuộc tĩnh tâm mà sau khi kết thúc lộ trình hành hương mà tôi khám phá ra Thiên Chúa là Tình Yêu! Tôi tiếp nhận, tôi sống và tôi khao khát thứ tình yêu này, Tình Yêu đến từ Thiên Chúa! Tôi bỗng nồng nhiệt ao ước lãnh bí tích rửa tội. Nhưng tôi đã được rửa tội rồi mà! Vậy là tôi ý thức rằng chỉ khi nào tôi mở rộng lòng tiếp rước Thiên Chúa thì Ngài mới đưa tôi vượt qua cõi chết và bước vào sự sống.

Một ngày kia, khi nghe trình thuật Phúc Âm trong đó Đức Chúa Giêsu nói cùng người thanh niên giàu có: ”Hãy đến và theo Thầy”, thì tận nơi sâu kín của lòng mình, tôi bỗng thưa lên lời đáp lớn lao: ”Vâng, con xin đến!”

Thế thì điều gì đã thay đổi trong cuộc đời tôi kể từ ngày ấy? Thưa là Tất Cả và là không gì hết. Nghĩa là, tôi vẫn nguyên vẹn là chính tôi với những yếu đuối và hạn hẹp, nhưng tôi sống động. Tôi giữ lòng tin tưởng, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mà tôi tiếp nhận và đến phiên mình, tôi có thể trao lại cho người khác. Nơi nghề nghiệp, tôi giao tế với tha nhân bằng tình yêu và sự tin cậy. Tôi tin tưởng trong gặp gỡ và quan hệ với người bạn đời. Tôi tin tưởng trong giáo xứ nơi tôi gia nhập nhóm tháp tùng các tân dự tòng chuẩn bị lãnh bí tích Rửa Tội. Tôi tin tưởng trong đời sống thường nhật khi tôi tiếp nhận sự sống như món quà và lãnh nhận hết ơn lành này sang ơn lành khác.

(Chứng từ của bà Claire-Emmanuelle, 46 tuổi người Pháp, sống tại thủ đô Paris. Bà là huấn luyện viên chuyên nghiệp).

... ”Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, trí thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chấp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. Con tự nhủ: ”Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!” Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!”(Thánh Vịnh 139(138) 1-14).
Nguồn: (”Prier”, l'aventure spirituelle, N.353, Juillet-Aout 2013, trang 7)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Lạy Chúa, con đã gặp Chúa nhiều lần. Con nghe tiếng Chúa gọi con nơi những bất toàn của anh em, Chúa gọi con ngang qua những hoàn cảnh khốn khó mà con biết, ... nhưng con đã không đứng dậy để theo Ngài. Lạy Chúa, xin hãy nhẫn nại với sự ương lười của con và xin ban thêm can đảm và sức mạnh để con vượt qua sự yếu đuối này của chính con.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Chúng ta làm gì sau khi gặp Chúa?

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.(Lc 8, 1-3)

Đoạn Tin Mừng này khiến tôi suy nghĩ về việc những "quý bà" có đẳng cấp cao trong xã hội như bà
Gioanna, vợ quản lý của Hêrôđê lại đi chung với một "quái" bà đã từng bị bảy quỷ nhập như bà Maria Mađalêna được nhỉ? Đã vậy thì chớ, các bà còn đem tài sản của mình để trợ giúp công cuộc rao giảng của Chúa?
Phải chăng là, tình yêu nhiệm mầu và quyền năng nơi Chúa Giêsu đã cảm hóa và giúp các bà đã tìm thấy một kho tàng lớn lao ẩn chứa trong đó: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Điều đó đã khiến các bà bỏ lại sau lưng tất cả những khác biệt về địa vị, đẳng cấp, giàu nghèo, ... để xem nhau như chị em và cùng theo Chúa trên con đường rao giảng. Tôi tự nhủ, có lẽ điều này đúng khi tôi xem lại lịch sử của Giáo hội. Hàng bao con người đã nhận ra Tình yêu nhiệm mầu này và quả cảm cho đi như câu chuyện của ông thương gia Vath sau đây:

Vath là một thương gia người Đức, nhưng làm ăn buôn bán ở Thượng Hải. Đang khi công việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ, thì ông nhận ra tiếng Chúa gọi mình. Vath đã xin vào chủng viện Bernađô dành cho những người tu muộn tại Roma. Sau khi thụ phong linh mục, ông trở lại Trung Quốc để phục vụ tầng lớp dân nghèo tại đây.

Phương pháp hoạt động của cha là thành lập Caritas (Hội Bác Ái cứu trợ Công giáo) với những lớp túc văn hóa, những thư viện, trường dạy nghề, trường kỹ thuật, quán cơm bình dân, lưu xá rẻ tiền cho sinh viên học sinh, hoặc công nhân, ... Và chỉ sau một thời gian, công việc này đã trở thành mô phạm cho các Caritas trên thế giới, nhờ tài kinh doanh của cha Vath được đem ra khai thác đúng chỗ và triệt để. Có điều là giờ đây ngài không kinh doanh cho bản thân, mà là cho các người nghèo để giúp họ và gia đình họ thăng tiến hơn lên.
(Nguồn: Người lữ hành trên đường hy vọng)

Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa những khả năng nhỏ bé của con. Để trong tay Chúa, con sẽ trở nên khí cụ hữu ích Nước Chúa và cho anh em.




Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Điều nên làm ngay

Trong một khoá học chuyên tu ngành tâm lý học, vị giáo sư ra đề bài: “Trong vòng một tuần, anh chị hãy đến gặp người thân mà mình quan tâm và nói với họ rằng anh chị yêu mến họ. Người đó phải là người mà trước đây, hoặc đã lâu anh chị không nói những lời như vậy.” Đề bài xem ra đơn giản. Thế nhưng, hầu hết cánh đàn ông trong lớp đều đã trên 30 tuổi và cảm thấy vô cùng khó khăn khi thể hiện đề bài này vì họ hiếm khi thể hiện tình cảm của mình với một ai đó.

Đầu giờ học kế tiếp, vị giáo sư hỏi xem có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện của mình hay không. Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời. Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên. Anh ta trông có vẻ xúc động lắm:

“Cách đây 5 năm, giữa bố tôi và tôi có một mâu thuẫn nghiêm trọng. Từ đó đến nay, cả hai vẫn chưa giải quyết được. Tôi tránh gặp mặt ông, trừ những trường hợp chẳng đặng đừng, như khi họp mặt gia đình. Nhưng ngay cả lúc ấy, chúng tôi cũng hầu như không nói với nhau một lời nào. Vì vậy, tôi đã tự thuyết phục bản thân đến để xin lỗi và nói với bố tôi rằng tôi yêu ông ấy.

Quyết định ấy dường như đã làm giảm đi phần nào áp lực nặng nề trong lòng tôi. Đêm hôm đó, tôi hầu như chẳng chợp mắt được. Ngày hôm sau, tôi đến nhà bố mẹ và bấm chuông, lòng thầm mong bố sẽ mở cửa cho tôi. Tôi lo sợ rằng nếu mẹ mở cửa thì dự định của tôi sẽ không thành, tôi sẽ bày tỏ với mẹ thay vì với bố. Nhưng may quá, bố tôi đã ra mở cửa. Tôi bước vào và nói: 

"Con không làm mất thời gian của bố đâu, con đến chỉ để nói với bố rằng bố hãy tha lỗi cho con và con yêu bố." Có một sự chuyển biến trên khuôn mặt bố tôi. Gương mặt ông dãn ra, những nếp nhăn dường như biến mất và ông bắt đầu khóc. 

Ông bước đến, ôm chầm lấy tôi và nói: “Bố cũng yêu con, con trai ạ. Nhưng bố chưa biết làm thế nào để có thể nói với con điều đó”.

Đó là thời khắc quý báu nhất trong đời tôi. Hai ngày sau, bố tôi đột ngột bị một cơn đau tim và vẫn còn nằm trong bệnh viện cho đến bây giờ. Nếu như tôi trì hoãn bộc lộ với bố, có lẽ tôi không bao giờ còn có cơ hội nào nữa”.
                                                                                                         Dennis E. Mannering

Sám hối thực ra là việc nhận ra mình được yêu, nhận ra được tất cả những gì mình đã nhận mà chưa đáp trả hết. Do vậy, kết quả của việc sám hối luôn phải là một hành động như câu chuyện hai bố con trên đây.
"Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?" (Lc 7, 41-42)

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thiên Chúa đã chạm đến tôi?

"... Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
Rồi Người trao lại cho mẹ nó
." (Lc 7, 14-15)

Trong cuộc sống, Chúa đã "chạm" đến tôi nhiều lần. Nhưng mấy khi tôi dừng lại để cho Chúa giúp đỡ, nhất là trong những nghịch cảnh của cuộc đời, những lúc mà cuộc đời trở nên tăm tối. 
Chúa đang hiện diện và mong muốn giúp đỡ tôi. Chúa ao ước tôi có một thái độ mở lòng ra để đón nhận Ngài. Ngài sẽ giúp tôi giải toả những nỗi khắc khoải, những đớn đau, ... và mang lại cho tôi hạnh phục như đã thực hiện cho bà goá thành Naim.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa.
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn
                                           cha Piô





Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Tình yêu chân thật

Lạy Cha,
Tạ ơn Cha đã chỉ cho con, con đường Tình Yêu chân thật.
Một Tình yêu chỉ hướng đến người yêu, mà không vụ lợi cho cá nhân.
Một Tình Yêu chỉ cố làm cho người yêu được nên trọn hảo.
Một Tình Yêu lấy sự hy sinh chính mình là quà tặng trao ban.
Một Tình Yêu luôn kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của người mình yêu.
Một Tình Yêu quảng đại rộng mở, không phân cấp theo bất cứ tiêu chuẩn nào.
Một Tình Yêu mang lại sự bình an, một sự bình an thẳm sâu, dù đang sống giữa những thử thách gian truân.

Con đã không tìm thấy điều đó nơi thế gian. 
Tạ ơn Cha đã chỉ cho con, con đường Tình Yêu chân thật.
Con tin rằng: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Lạy Chúa, xin hãy thay thế tình yêu hẹp hòi của con bằng Tình Yêu chân thật của Chúa.
Xin hãy thay thế tình yêu đầy vụ lợi nơi con bằng Tình Yêu chân thật của Chúa.



Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Nhìn lại chính mình

Ngày xưa, có một nhà điêu khắc có biệt tài nắn được những bức tượng giống hệt như ông, đến độ không tài nào phân biệt được ông với những bức tượng. Ngày kia, ông được tin thần chết đến tìm ông. Do đó, ông nặn ra một tá tượng con người của ông. Khi đến nơi, thần chết cũng bó tay, không biết ông ở đâu trong số những bức tượng ấy. Cuối cùng thần chết đành chào thua và bỏ đi.
Tuy nhiên, không bao lâu sau, thần chết quay lại với một kế sách thông minh, vì thần chết rất am hiểu tính nết của con người. Thần chết nói:
- Này, anh chàng điêu khắc của tôi! anh là một thiên tài trong việc sáng tạo ra những bức tượng giống hệt
nhau và giống anh như đúc, không ai phân biệt được cái giả cái thật. Tuy nhiên, tôi vừa khám phá ra một vết nứt nhỏ trên mặt một bức tượng đây.
Anh chàng điêu khắc lập tức nhảy xổ ra và la lên:
- Không thể được! Vết nứt ở đâu?
- Ở đây nè! Thần chết liền túm cổ anh chàng điêu khắc tài ba nhưng không thể nhìn ra chính mình.

Sao anh lại có thể nói với người anh em : ' Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra ', trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !" (Lc 6, 42)
Lạy Chúa, quả thật con không thể nhìn thấy được chính con, nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Những thành công vụn vặt, những kiến thức nhỏ nhoi, những kết mỹ mãn mà con đạt được, ... tất cả đã làm nên một vỏ bọc định kiến khiến con chết ngạt trong chính sự kiêu căng của mình. Lạy Chúa, xin chữa con khỏi căn bệnh mù quáng về chính con.




Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Nguyên lý của hoà bình

Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. (Lc 6, 31)

Lạy Chúa Thánh Thần xin giúp chúng con đem an hoà vào những nơi tranh chấp, và làm cho đời sống chúng con biểu lộ phản ánh lòng từ bi của Thiên Chúa. Vâng xin giúp chúng con biết yêu thương và thể hiện tình yêu đó bằng đời sống chúng con.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Sống "cái nghịch lý của Thiên Chúa"

Thánh Gioan Boscon đã chấp nhận hết mọi đau thương gian khổ của cuộc đời để đạt mục đích duy nhất: đưa giới trẻ về cùng Chúa. Ngài di ăn xin từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn để đem về cho tốp lâu la du đảng của ngài. Hằng đêm, ngài phải thức khuya để làm báo, viết sách để huấn luyện giới trẻ, bênh vực Hội Thánh... đến nỗi lúc về già, mắt ngài mờ đi vì phải thức khuya quá độ.
Ngài chọn một khẩu hiệu: "Da mihi animos, caetera tolle", tạm dịch "Xin Chúa cho con cứu được nhiều linh hồn, còn mọi sự khác (của cải, danh vọng, thành công), xin Chúa cứ cất đi!"

Chúa Giêsu luôn mời gọi tôi sống "cái nghịch lý" của Ngài trong đời sống hàng ngày. Đây là điều không dễ dàng thực hiện, nhưng đó lại là con đường giúp tôi trở nên thật sự "là chính tôi". 

"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. 21Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười." (Lc 6, 20-21)


Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, không ít lần, vì phải chọn lựa theo Ý Chúa mà con đây gặp phải nhiều điều phiền muộn. Xin soi sáng trí khôn và nâng đỡ lòng can đảm của con, để khi đối diện với nghịch cảnh, con có thể trung thành theo Chúa.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

SÁNG NÀO THIÊN CHÚA CŨNG BAN ÂN HUỆ MỚI!


... Bà Anne-Dauphine Julliand là ký giả kiêm văn sĩ và là bà mẹ Công Giáo năm nay 40 tuổi.
Bà sinh ra và sống tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày 10-3-2011 bà phát hành tác phẩm: ”Deux Petits Pas Sur Le Sable Mouillé - Hai Bước Chân Nhỏ Trên Cát Ướt” vỏn vẹn hai năm sau khi bé gái Thaiis 3 tuổi rưỡi qua đời. Tác phẩm là một bản tình ca: yêu sống, yêu con và yêu THIÊN CHÚA. Hai năm sau, ngày 23-5-2013, bà lại viết cuốn ”Une journée particulière - Một ngày đặc biệt” nhắc lại những yêu thương dành cho con gái Thaiis. Một ngày đặc biệt là ngày 29-2 ngày sinh nhật của bé Thaiis - mà nếu còn sống năm nay sẽ tròn 8 tuổi - và người ta chỉ có thể cử hành ngày này cứ bốn năm một lần!

Ông bà Loic và Anne-Dauphine Julliand cho ra chào đời bốn đứa con, 2 trai 2 gái: Gaspard, Thaiis, Azylis và Arthur. Đứa con gái lớn tên Thaiis bị mắc chứng di truyền loạn-dưỡng-bạch-cầu (leucodystrophie) và được chẩn bệnh vào năm lên hai tuổi. Các bác sĩ cho biết bé chỉ sống sót trong vòng vài tháng. Khi nhận hung tin, bà Anne-Dauphine thì thầm vào tai con gái lời hứa:
- Con sẽ có một cuộc đời đẹp. Cuộc đời không giống các trẻ khác nhưng là một cuộc đời mà con có thể hãnh diện!

Và đúng như lời hứa. Bé Thaiis sống thêm gần hai năm và là hai năm tràn đầy yêu thương. Đúng là một câu chuyện tình yêu.

Nhưng thử thách vẫn chưa chấm dứt. Bé gái thứ hai cũng mắc cùng chứng bệnh y như chị Thaiis của bé. Xin nhường lời cho bà Anne-Dauphine Julliand, người mẹ Công Giáo trẻ thật can đảm, tràn đầy hy vọng và đặt trọn niềm tin nơi THIÊN CHÚA.

Nói rằng mình có một đứa con bị đau ốm thì dễ hơn là thú nhận mình có đứa con khuyết tật. Khuyết tật gây lo âu sợ hãi hơn là đau bệnh. Khuyết tật tạo nên một tình cảm khang-khác khiến người ta lúng túng không thoải mái. Đứa con khuyết tật thay đổi nhiều điều trong cuộc sống gia đình của tôi. Thành thật mà nói cuộc sống thường nhật trở nên rắc-rối nhiêu-khê hơn. Đôi khi thật nặng nề. Thế nhưng đứa con khuyết tật đã thay đổi tâm lòng của chúng tôi. Chúng tôi học cách cảm thức trở lại sự giòn mỏng của đứa con cũng như của chính chúng tôi.

Khi khám phá ra Azylis - đứa con gái thứ hai của chúng tôi - mang cùng chứng bệnh với Thaiis, đã là một trận động đất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Thế rồi trong khoảng thời gian đầu của cơn thử thách, chúng tôi đã quên mất nếp sống phu thê để dồn mọi chú ý trên đứa con khuyết tật. Chúng tôi không gặp khó khăn trong việc chu toàn nghĩa vụ của bậc làm cha làm mẹ, nhưng chỉ thiếu sót trong tình nghĩa vợ chồng. Từ từ chúng tôi học trở lại cách thức vợ chồng nhìn nhau, chú ý và chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi cũng học cách an ủi lẫn nhau nữa.

Trên đây tôi nói khuyết tật gây sợ hãi hơn là cơn bệnh. Điều làm cho chúng tôi sợ chính là sự khác biệt. Đối diện với người khuyết tật chúng tôi lo sợ không biết phải nói năng truyền thông như thế nào, không biết phải xử sự ra sao. Chúng tôi cố gắng dồn mọi nỗ lực thực thi điều chúng tôi có khả năng làm và không nghĩ đến chuyện nhìn người kia. Tôi chỉ lo sợ không thể hiểu được đứa con gái khuyết tật của mình. Tôi bèn học với con cách thức nói năng thông truyền bằng một kiểu khác.

Đức Tin giúp ích nâng đỡ tôi rất nhiều. Đức Tin không ngăn chặn tôi khỏi khóc lóc và khỏi đau khổ, nhưng Đức Tin giúp tôi nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác, theo một cách thức khác. Tôi nghĩ rằng ngày hôm nay Đức Tin của tôi được lớn mạnh. Điều thay đổi trong Đức Tin của tôi chính là chiều sâu và nét nhân bản thực tế. Ngày người ta loan báo cho chúng tôi biết căn bệnh của đứa con gái thứ hai của chúng tôi, tôi nhận ra rằng Trời Cao không đổ ập trên đầu chúng tôi, nhưng Trời Cao đi vào căn nhà của chúng tôi, để cùng khóc với tôi và để đề nghị với tôi sự hiện diện của Trời Cao. Chính sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong cuộc đời tôi là điều vô cùng thân thương và thật quý báu đối với tôi. Kể từ ngày tôi cảm nhận được điều này cùng với trọn Tình Yêu vô điều kiện tháp tùng, tôi không còn sợ hãi cuộc sống nữa. Tôi không còn sợ đau khổ cũng không sợ ngã quỵ lẫn không sợ yếu ớt giòn mỏng.

... ”Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con, và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông: Lượng từ bi THIÊN CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Ngài mãi không vơi. Sáng nào Ngài cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Ngài cao cả biết bao! Con tự nhủ: ”THIÊN CHÚA là phần sản nghiệp của con, vì thế nơi Ngài, con trông cậy”. THIÊN CHÚA xử tốt với ai tin cậy Ngài, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa. Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của THIÊN CHÚA, đó là một điều hay. Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ”(Sách Ai Ca 3,19-27).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, Mai-Juin 2013)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

"Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,33)
Lạy Chúa Giêsu, tiếng Chúa gọi con không ở đâu xa, nhưng là chính giây phút hiện tại con đang sống. Chúa đang nói với con qua những niềm vui, nỗi buồn, những thành đạt hay nghịch cảnh đang xảy đến với con. Tiếng Chúa nói nơi ánh nắng gay gắt, hay trong mưa sa gió buốt cũng như trong làn gió dịu êm. Mỗi sự kiện, biến cố là một lời thì thầm Chúa đang cố dạy con một điều phải làm. Xin Chúa mở mắt. mở lòng để con thấy được, hiểu được và can đảm chấp nhận Ý Chúa, thay vì là ý con.





Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Sống đạo đích thực

Một chiều đông lạnh lẽo, triêt gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha
xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, cha xứ hỏi:
- Theo ông, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?
Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay:
- Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta cần nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết.

Thầy Giêsu khi xưa đã hòa mình chia sẻ kiếp người cùng khổ, nâng đỡ ủi an họ. Thầy Giêsu đi đến đâu cũng mang lại bình an và hạnh phúc cho mọi người. Còn tôi, đi theo thầy Giêsu nhưng chỉ thích lý sự, thích "bàn", thích "tám" hơn là nhúng tay vào làm một việc lành cụ thể nào đó. Ý nghĩ này làm cho tôi thắm thía Lời Chúa hôm nay: Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat" (Lc 6, 5)

Lạy Chúa Giêsu, việc sống đạo của con thường chỉ dừng lại ở việc "thuyết giảng" cho người khác nghe. Con quá câu nệ và vướng bận vào những lời tuyên xưng mạnh mẽ mà quên đi rằng việc sống đạo hệ tại ở những gì con đã làm chớ không phải những gì con tuyên xưng ngoài môi miệng. Xin cho con biết sống những gì con tuyên xưng ra.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Gaston Courtois và phong trào Hùng tâm dũng chí

Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, thanh thiếu niên ở các nước Châu Âu, nhất là Pháp, cảm thấy thể chất tâm 
lý tan nát rã rời. Rất nhiều em phải thất lạc gia đình, không biết đi về đâu; em khác lại mất cha, chết mẹ; có em lại phải bệnh hoạn tàn tật, lang thang khắp nơi, tụ tập lại thành từng bè, từng lũ, chia nhau đi cướp bóc,
đánh đập, chơi bời phóng đãng. 
Chính quyền đã cố gắng phục hồi kinh tế, cải tạo xã hội. Nhưng cho ăn, cho mặc đâu phải  là đủ. Các em còn cần tình thương, cần lý tưởng để xây dựng cuộc đời mới. Linh mục Gaston Courtois, người Pháp đã dấn thân vào công việc ấy. 
Theo gương thánh Gioan Bosco, ngài săn sóc các em, yêu thương các em, hướng dẫn các em trong nhiều buổi sinh hoạt thoải mái, hùng mạnh. Ngài cũng khuấy động lên trong hàng ngũ những người có trách nhiệm ý thức về sự sa sút của giới trẻ. Họ cộng tác với ngài.
Thế rồi hàng vạn thanh thiếu niên đã tìm lại được tuổi xuân, niềm hy vọng lại bừng sáng, lý tưởng sống lại hiện rõ ra. Phong trào "Hùng tâm dũng chí" ra đời và chẳng mấy chốc lan rộng khắp năm châu.
Vừa hoà mình với các em, cha Gaston Courtois vừa thức khuya dậy sớm để viết sách báo hướng dẫn giới trẻ. Trước nhỏ sau lớn. Nhà in Fleurus ra đời giữa lòng thủ đô Paris và ngày càng phát triển mạnh.
Cha Gaston Courtois được mời tham gia nhiều tổ chức quốc tế đặc trách thanh thiếu niên. Về sau, ngài được gọi sang phục vụ bên cạnh Toà Thánh. Dù đã lớn tuổi nhưng Chúa nhật nào người ta cũng thấy ngài đi sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên ở Roma, vẫn tươi vui hăng hái như thuở nào. Thanh thiếu niên sung sướng vây quanh ngài, cởi mở tâm sự với ngài. Chúng biết quả tim ngài hằng yêu mến chúng, vì cả cuộc đời ngài đã hiến trọn cho chúng. 
Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi kẻ khác dâng hiến, đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả; con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Con gặp trăm ngàn thanh thiếu niên, lay lất trên đường, không lối thoát. Họ bàn tán bất tận về mộng xây dựng một xã hội mới, một con người mới, nhưng họ đã gặp xì ke, bạo động, truỵ lạc, dối trá, chán nản, ... Họ cần con, họ kêu con: tiếng kêu của người chết đuối, tiếng van của người ngộp thở.  (Người lữ hành trên đường hy vọng 26.3)

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng". (Lc4, 18-19)

Lạy Chúa, lời kêu mời dấn thân giúp đỡ tha nhân của Chúa vẫn luôn sống động trong mọi thời đại. Xin cho con biết sử dụng thật hữu ích những giây phút trong đời để sinh ích lợi cho anh em đồng loại, và để con nên giống Chúa hơn.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Sống bác ái

Một lần nọ, có một thanh niên chịu đau khổ khủng khiếp trong lửa hoả ngục. Anh cầu xin Thiên Chúa cứu anh ra khỏi cực hình. Thiên Chúa động lòng thương, Ngài hỏi các thiên thần xem anh có làm việc gì tốt ở trần gian không. Một thiên thần đi tìm hiểu lý lịch anh ta trên một máy vi tính khổng lồ trên thiên đàng và báo cáo rằng anh ta đã chia sẻ một vài cọng rau giống như những lá hành, cho những người láng giềng nghèo của anh
ta.
"Cũng được". Thiên Chúa ra lệnh, "Hãy làm một sợi dây bằng lá hành và thả xuống cho anh ta". Vậy, thiên thần làm theo lệnh Thiên Chúa và thòng sợi dây xuống cho anh ta. Anh thanh niên hớn hở nắm lấy sợi dây hành để thiên thần kéo anh lên khỏi lò lửa. Khi những người bạn thấy anh được kéo lên, họ nhào đến và như một bầy đỉa, họ nắm chật lấy chân anh. Trọng lượng trở nên quá nặng đối với sợi dây hành, nên nó đã đứt khi đi lên được nửa đường. Anh chàng tội nghiệp, anh không thể cứu chính mình và anh em đồng bạn bởi vì anh có quá ít việc lành khi còn ở trên trần gian.

1. "Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? - Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện. (ĐHV 741)
2. Người ta không cần của con! Người ta không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ! (ĐHV 743)
3. Sự lầm lạc lớn nhất là không biết những người khác là Chúa Kitô. Có nhiều người tận thế mới vỡ lẽ! (ĐHV 769)

"Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Mt 14, 13-14)

Lạy Chúa Giêsu, thực thi đức bác ái phải bắt nguồn từ lòng yêu mến chân thành đối với anh em. Xin giúp con tránh xa các loại bác ái giả hiệu, bác ái vì danh, vì lợi. Xin cho con luôn sẵn sàng giúp đỡ tha nhân vì họ là hình ảnh của Chúa và cũng là anh em của con.