Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Một Cách Trả Thù

"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 36-38) 

Lẽ sống tháng 7

Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".

"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta.
Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

THỊT VÀ MÁU

Giuse Việt, O.Carm.

Ngày nó chưa trở thành Kitô hữu, một người bạn không có đạo kể với nó: “Tao nghe nói rằng mỗi Chủ Nhật người Công Giáo ăn thịt và uống máu sống. Thời đại này mà còn những chuyện kinh khủng như vậy. Dã man quá!” 
“Mày nghe ai đồn nhảm thế? Làm gì có chuyện đó!” Nó không tin gạt đi. 
Thế rồi nó mon men đến một ngôi thánh đường để xem thực hư thế nào. Từ hàng ghế cuối trong góc khuất nhà thờ, nó nghe vị linh mục cung kính đọc rõ từng lời: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn: vì này là mình Thầy, trao ban cho anh em.” Rồi vị linh mục cầm lấy chén rượu đọc tiếp: “Tất cả anh em, hãy cầm lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, đổ ra cho anh em.”(Lc 22:19) Lúc này nó nhớ lại lời thằng bạn kia nói.
Một lúc sau, nó thấy người ta lên nhận một tấm bánh trăng trắng nho nhỏ và ăn, rồi nhận một chén gì đó rồi uống. Nó chợt thấy rùng mình nổi gai ốc. 
Từ ngày ấy, nó bắt đầu tìm hiểu về cái mà người vẫn gọi là “ăn thịt và uống máu sống”. Sự thật không hoàn toàn giống như thằng bạn nó phao tin đồn. Nó phát hiện ra nhiều điều lý thú hơn như vậy. 
+++ 
Bây giờ, nó là một Kitô hữu. Hiểu biết của nó rộng thoáng hơn, tâm hồn nó chan hoà hơn, thái độ sống của nó tích cực hơn vì nó đã “ăn thịt và uống máu” của Thầy Giêsu. Nó không biết giải thích thế nào cho thằng bạn kia hiểu điều nó đã khám phá trong tâm hồn. Thằng bạn kia cũng chẳng thắc mắc nhiều vì đó là chuyện riêng của nó, nhưng hắn thấy nó vui vẻ và bình an hơn trước. 
Thế rồi một ngày kia, trong khi đang cầm tấm bánh trên tay, tự dưng trong tâm trí nó xuất hiện bao nhiêu câu hỏi: Đây là Chúa thật sao? Làm sao Chúa Tể trời đất có thể ở trong tấm bánh nhỏ bé, mỏng manh mà mình sắp ăn? Có thật là bánh này trở thành mình Chúa và rượu này trở thành máu Chúa không? Nếu có thì việc này xảy ra như thế nào? Tại sao Chúa lại chọn ở trong tấm bánh, ly rượu này? Sao tôi không thấy chúng giống thịt và máu bình thường?... 
Từ đó, nó có nhiều thắc mắc, băn khoăn về Thánh Thể. Nó cảm thấy khó hiểu nhưng may thay nó kiên nhẫn học hỏi Kinh Thánh và Truyền Thống để tìm câu trả lời.
+++ 
Một ngày kia, nó tìm thấy câu trả lời như sau: 
Trước khi trời đất được tạo thành, có một Tình Yêu Vô Biên tự hữu mà niềm tin Kitô gọi là Thiên Chúa. Tình Yêu ấy tuôn trào sáng tạo mọi sự tốt đẹp, trong đó có con người. Tình Yêu chăm sóc con người qua từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim, từng cảm nghĩ. Khi con người dùng tự do của mình để lạc xa Tình Yêu, Tình Yêu vẫn hiện diện sát bên để đồng hành nâng đỡ. Tình Yêu khao khát trao ban, ngày càng mãnh liệt theo dòng thời gian. Cho đến một ngày kia, Thiên Chúa Tình Yêu đã quyết định hoá thành Con Người để ở giữa nhân loại. Thiên-Chúa-ở-với-nhân-loại ấy mang một cái tên con người là Giêsu (Mt 1:23; Lc 1:31). Ngài đã sống với, sống cho, sống vì con người bất kể họ là ai. Cả cuộc đời Ngài gói trọn vẹn trong một chữ “yêu” và yêu cho đến tận cùng (Ga 13:1). 
Tiếp tục lật giở từng trang Kinh Thánh, nó đọc được tâm sự của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu khi Thầy nói: “Cha ơi, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:20-24) Một khao khát mãnh liệt được ở với từng con người để chăm sóc họ luôn canh cánh bên lòng Thiên-Chúa-làm-người cho đến dòng cuối cùng của sách Tin Mừng: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) 
    Bây giờ thì nó đã hiểu. Câu trả lời cho những thắc mắc hóc búa hôm nào trở thành khá đơn giản: tất cả nằm ở “tấm lòng Thiên Chúa”. Cầm tấm bánh và ly rượu đã thánh hiến, nó cảm thấy tự tin và hạnh phúc vô cùng. “Đây là Chúa thật sao?” Đúng, đây là Thiên Chúa của nó. “Làm sao Chúa Tể trời đất có thể ở trong tấm bánh nhỏ bé, mỏng manh mà mình sắp ăn? Thiên Chúa có thể tạo dựng trời đất dễ dàng thì chuyện này có ăn thua gì chứ. Có thật là bánh này trở thành mình Chúa và rượu này trở thành máu Chúa không? Nó không muốn giải thích dài dòng mà chỉ muốn khẳng định rằng khi nó lãnh nhận bánh rượu này, nó được nuôi dưỡng một cách lạ lùng, được bình an và hạnh phúc sâu xa trong tâm hồn mà chẳng có loại thức ăn nào làm được. Nếu có thì sự việc xảy ra như thế nào? Truyền thống dạy rằng khi linh mục đọc lại lời của Thầy Giêsu trong Thánh Lễ thì bản thể của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa. Bên ngoài là hình bánh rượu nhưng bên trong không còn là bánh rượu nữa. Nó thì suy nghĩ đơn giản thế này thôi: Xảy ra như thế nào thì đó là việc của Chúa. Ngài luôn làm những gì Ngài nói, chẳng bao giờ thất hứa. Tại sao Chúa lại chọn ở trong tấm bánh, ly rượu này? Đơn giản vì Chúa rất tâm lý: Người chọn cách thức bình dân và gần gũi nhất để thể hiện điều sâu thẳm và cao quý nhất. Còn gì bình dân gần gũi hơn là ăn uống. Còn gì thẳm sâu cao quý hơn là trao ban chính mình. Ồ mà sao tôi không thấy chúng giống thịt và máu bình thường nhỉ? Đến đây thì nó thấy câu hỏi trở nên nực cười. Đố nó dám ăn thịt sống uống máu tươi! Thiên Chúa thật là tâm lý. Ngài hiện diện tràn đầy mà lại vô cùng nhẹ nhàng. Ngài có đó trọn vẹn mà cứ như ẩn mình để không làm người đón nhận sợ hãi hay mất tự do. Ngài chẳng cần vinh quang cao sang mà chỉ cần ở với con người. Chúa cứ hiện diện lặng lẽ một cách dễ thương như vậy. Nó mỉm cười. Nhẹ nhõm trong tạ ơn. 
Bạn mến, phần cuối lời truyền phép Thánh Thể, vị linh mục còn lặp lại lời Thầy: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (Lc 22:19; 1Cr 11:25) Việc Thầy làm là trao ban chính mình làm lương thực trường sinh cho các môn đệ, trong đó có chúng mình. Vậy ta hãy nguyện sẵn sàng trở nên lương thực nuôi dưỡng anh chị em, bạn nhé. 

  

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Chúa ở cùng con


PM. CAO HUY HOÀNG, 20.6.2011

Suy niệm lễ Mình Máu Thánh Chúa
 
Chuẩn bị mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, một ca đoàn Giáo Xứ ở vùng quê, tập bài hát nầy:
“Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con, với những vui buồn cuộc đời nhân gian, bước con lầm than tình Chúa vẫn dâng tràn. Tình yêu của Chúa ví như khung trời xanh, ngày đêm lặng lẽ vẫn chở che mọi lúc, bước con an bình đời thắm tươi đẹp tình.Chúa ở cùng con với tấm lòng son sống cho đời con chan chứa khôn vơi tình thương Chúa sáng ngời. Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời nầy”.
(Lời bài hát “Chúa trong đời con” của Lm. Ns. Thái Nguyên )

Chọn và tập bài hát này để hát lúc Rước Lễ trong lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, có một vài ca viên thắc mắc rằng: lễ Mình Máu Thánh Chúa mà sao hát bài nầy, nghe không có gì là Thánh Thể, là Mình Máu Thánh Chúa cả.
Anh ca trưởng ôn tồn nói:
- Thưa anh em, lâu nay chúng ta đã hát nhiều bài về Mầu Nhiệm Thánh Thể và tôn vinh Thánh Thể Chúa, hôm nay tôi chọn bài nầy, vì tôi nghĩ sống Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc tôn vinh Thánh Thể Chúa và rước lấy Mình Thánh Máu Thánh Chúa, mà còn phải sống niềm Tin Cậy Mến, với lòng tạ ơn Chúa Giêsu đang ngự trong lòng, và hơn thế nữa phải trở nên của ăn cho mọi người bằng việc bác ái, dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Rước lấy Thánh Thể Chúa, là “Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con”. Tâm hồn mình là Nhà Tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể. Đi đâu, ở đâu, làm gì, chúng mình cũng đang có Chúa. Vậy mà, chúng mình vẫn theo lệ rước lễ thì vẫn rước lễ, mà vẫn quên Chúa đang sống trong lòng mình. Có phải vơ đũa cả nắm không, nhưng tôi biết chúng mình vẫn cầu nguyện rằng: Xin Chúa cho con, cho nhà con, cho vợ con, cho chồng con được chuyện nầy, việc nọ. Tôi nghĩ cách cầu nguyện ấy vừa kém Đức Tin: vì không lẽ Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở trong chúng ta không biết chúng ta cần gì sao?  Lại vừa kém Đức Ái: vì lời cầu nguyện ấy chỉ qui về cho mình, cho nhà mình. Lòng mình không trải ra với mọi người. Lòng mình không chút bận tâm đến ai. Cầu nguyện mà còn ích kỷ như thế thì huống gì nói đến việc chia sẻ. Trong khi đó, Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng mình đang muốn mình trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi sống mọi người. Tấm bánh bẻ ra ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa mà anh em mình quyết tâm: “Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời này”. Đầu giờ và cuối giờ tập hát anh em mình hay cầu nguyện cho những địa chỉ mà anh em không quen biết là vì lý do như vậy đó. Xin anh em thông cảm vui lòng, tôi đã chọn bài này. Cả ca đoàn lặng thinh, suy niệm, rồi đọc kinh kết thúc giờ tập hát sốt sắng.
……
Từ những suy tư của anh ca trưởng, tôi chợt nhớ bố tôi hay nói về chuyện hầu hết các bài giảng đều dẫn chúng ta đến kết luận là sống sao cho được vào Nước Trời, được vào Thiên Đàng, được Ơn Cứu Rỗi; như thế đấy, làm cho mọi người cứ lầm tưởng rằng Nước Trời ở đâu xa lắm, Thiên Đàng là nơi ta sẽ đến, Ơn Cứu Rỗi còn ở phía tương lai.
Thực ra, Nước Trời, Thiên Đàng, Ơn Cứu Rỗi đang ở đây, không ở đâu xa, đang ở trong lòng ta: chính Thánh Thể Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta” ( Ga 6, 56 – 57 ).
Hơn nữa, dù Thánh Lễ diến ra ở Âu, Á, Mỹ hay Phi, ở thành thị hay thôn quê, ở Nhà Thờ Chính Tòa hay trong nơi lao tù, trong trại cải tạo, thì tấm bánh ấy, chén rượu ấy, cũng là chỉ một Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu, và tất cả chúng ta, những người rước lấy, đều sống chung một nguồn sống duy nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy, mọi người đang sống trong thiên đàng của Thiên Chúa ngay hôm nay. Vì thế, việc thể hiện tình hiệp nhất, yêu thương, việc bác ái giúp nhau phần hồn phần xác để đi trọn cuộc lữ hành này, là bổn phận thiết yếu của mỗi chi thể trong cùng một Thánh Thể Chúa Kitô.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao ? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao ? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. (1Cr 10, 16 – 17 )
Thế là, hình ảnh sống động của Nước Trời, của Thiên Đàng, của Ơn Cứu Rỗi, còn cụ thể qua việc bác ái. Hai cụ bà hành khất ở xó chợ. Một bà còn lết được, một bà bất toại một chỗ. Bà còn lết được chia cho bà kia những gì mà mình kiếm được mỗi ngày. Hai bạn tù chia nhau một mẫu bánh. Hai người cùng khổ chia nhau mấy con cá lăn tiêu… Đó là hình ảnh Nước Thiên Đàng của Thiên Chúa đang sống động trong chúng ta.
Thiên Đàng không ở đâu xa, không là tương lai, nhưng là hiện tại, là ngay lúc nầy, ở ngay trong lòng ta: Chúa Giêsu Thánh Thể và việc bác ái yêu người mà Thánh Thể Chúa mong muốn, thôi thúc, hướng dẫn.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa còn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và giúp đỡ đặc biệt cho các Linh Mục, hiện thân của Chúa Kitô, hiện thân của Thánh Thể, của ơn cứu rỗi. Việc giúp đỡ các Linh Mục có một đời sống vật chất, có phương tiện rao giảng Lời Chúa và chu toàn sứ vụ, thì dễ, nhưng việc góp ý xây dựng thì không dễ chút nào. Vì vậy, thiết tưởng phải liên lỉ cầu nguyện cho các linh mục nên thánh thiện theo gương Chúa Giêsu chí thánh.
Ở một Giáo Xứ gần chỗ tôi, có cụ già đạo đức đặc biệt. Tuổi cụ hơn gấp đôi tuổi cha sở. Gần đây, cụ thường nhắm mắt lại khi cha sở đọc Lời Truyền Phép. Ai hỏi cụ tại sao nhắm mắt, cụ trả lời là thói quen. Nhưng thực ra, không phải như thế. Mới đây, cụ đã vào xin gặp riêng cha sở.
“Xin cha đóng cửa lại. Con muốn thưa chuyện riêng với cha… Thưa cha, mỗi khi cha đọc Lời Truyền Phép, con nhắm mắt lại để không nhìn thấy cha, để chiêm ngưỡng chỉ một Chúa Giêsu quá sức khiêm nhường. Vì dù cha là con người có bất toàn thế nào đi nữa, có thể có nhiều tai tiếng không tốt, hoặc kể là cha có tội lỗi đi nữa, thì Chúa Giêsu cũng vâng lời cha mà ngự xuống trong hình Bánh Rượu, để nên Mình Thánh Máu Thánh dưỡng nuôi linh hồn chúng con…Cha biết đó, giáo dân xứ mình đang không vâng lời cha, bỏ xứ nhà sang dự lễ xứ bạn, không tham dự thánh lễ với cha, không xưng tội với cha, còn chống lại cha nữa. Trong khi đó, Chúa Giêsu không bỏ cha, còn thương cha, thương con, thương yêu mọi người mà chịu vâng lời cha ngự xuống trong hình bánh rượu nữa. Mong cha nghĩ lại điều này, để Giáo Dân cũng vâng lời cha như trước”.Tôi nghĩ cụ già ấy đang làm một việc bác ái do chính Thánh Thể Chúa thôi thúc, Khi đã hiệp nhất trong cùng một tấm bánh, trong cùng một thân thể, thì thương tích của chi thể nầy cũng là nỗi đau của chi thể kia. Không thể có sự dững dưng vô tình trước những thương tích xác hồn của anh em cùng chung tấm bánh, chung ly rượu, đặc biệt hơn khi những anh em đó lại là những hiện thân của Chúa Kitô.
“Chúa vẫn âm thầm đợi chờ trong con,biết hiến dâng trọn cuộc đời xin vâng, biết quên mình đi để mến yêu chân tình, để còn vang mãi khúc ca của đời con, lời chúc tụng Chúa Đấng Tình Yêu vạn thuở, Đấng con tôn thờ và mến yêu đợi chờ”( Lời bài hát “Chúa trong đời con” của Lm. Ns. Thái Nguyên ) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tạ ơn và kính thờ Chúa đang ngự trong lòng chúng con. Xin cho chúng con tấm lòng và bàn tay yêu thương dấn thân phục vụ như tấm bánh bẻ ra cho đời. Xin cho các Linh Mục của Chúa đồng hình đồng dạng với Chúa, Đấng đã tế lễ đời mình nên thần lương, nên sự sống Thiên Đàng cho chúng con. Amen.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

MỘT CHỖ KHỦNG KHIẾP

Veritas
  Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".Nghe thế, tôi tự hỏi: "Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...". Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại thật".Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: "Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến".Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trí khôn và ý muốn

Thanh Phương 

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
- Thượng đế là gì?
Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.
Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:
- Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?
Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:
- Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.
Kể lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Tất cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cực thánh này đều có chung một bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy nhất.
Trong giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.
Thực vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ: trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.
Hẳn rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một vị thánh tiến sĩ trong Giáo Hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:
- Em làm gì thế?
Em bé bèn trả lời:
- Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.
Thánh nhân mỉm cười và nói:
- Làm sao em làm được?
Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:
- Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.
Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.

Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh háo chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Hãy yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

THĂNG THIÊN


Bảo Lộc

Chuyện kể rằng, khi Chúa Giêsu Kitô về Trời, các thiên thần ra mừng đón Ngài. Họ thắc mắc không hiểu vì sao Chúa về Trời sớm quá. Làm sao Ngài hoàn thành được sứ mạng Chúa Cha giao phó khi chỉ rao giảng mới được ba năm.
Một thiên thần suýt xoa: “Bây giờ Chúa không còn ở trần gian nữa, không biết Nước Trời làm sao hiện diện được?”
Chúa đáp: “Ta không lo, ta đã dặn dò các môn đệ của ta tiếp tục công việc của Nước Trời.”
Các thiên thần kinh ngạc: “Chúa giao sứ mạng ấy lại cho ai? Những môn đệ chết nhát đó à? Chúa thật sự nghĩ rằng họ có thể làm được sao?”
Chúa trả lời: “Ta tin nơi họ.”
Các thiên thần nhao nhao phản đối: “Cho dù như thế, lạy Chúa, sau khi những người này chết đi thì sao? Người ta sẽ quên hết những điều Chúa dạy họ?”
Chúa mỉm cười: “Ta tin rằng sẽ có những người khác tiếp nối công việc của họ.”
Các thiên thần trố mắt không tin: “Chúa à, Chúa không có kế hoạch nào khác sao? Hay là để chúng con đi làm việc này chắc ăn hơn.”
Chúa lắc đầu: “ không! Ta chỉ có một kế hoạch duy nhất. Họ sẽ làm được điều đó, vì Thần Khí của Ta sẽ ở với họ”

***
Lạy Chúa xin cho chúng con biết tiếp tục sứ mạng của Chúa mà đi rao giảng và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa bằng chính đời sống chứng nhân của mình ở trong gia đình, hãng xưởng, giáo xứ và trong các mối quan hệ giao tiếp hàng ngày…… Amen! 

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

NIỀM TIN HÔM NAY

THANH THANH

Niềm tin vào Thiên Chúa của người Công giáo toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng, được xếp vào ba loại sau: có đạo, giữ đạo và sống đạo.
Loại có đạo
Khi lãnh Bí tích Rửa tội, thì họ trở thành người có đạo, là người Công giáo.
Họ vào đạo vì ích lợi bản thân, vì nhu cầu tình cảm và tư lợi…chứ không vì lòng mến Chúa.
Họ vào đạo vì lập gia đình, có thế mới lấy được chồng, mới cưới được vợ.
Họ vào đạo để khi chết có chỗ chôn, lập gia đình thì cử hành long trọng trong nhà thờ, lúc sống thì nhận được sự giúp đỡ về cơm gạo, nhà cửa, tiền bạc, quần áo, sách vở, nghề nghiệp…
Họ vào đạo nhưng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, không liên kết với cộng đoàn đức tin qua việc cử hành phụng vụ, cũng chẳng làm việc phụng tự. Họ tách rời các sinh hoạt của Giáo hội, trừ vài dịp đặc biệt như rửa tội, cưới xin, an táng của họ hay gia đình họ mà thôi.
Cao cấp hơn, họ còn đi tu nữa. Họ đi tu không phải vì yêu mến Chúa, cũng chẳng quan tâm đến Giáo hội, càng không màng chi đến các linh hồn. Họ đi tu không phải để hiến thân vì Chân Lý, chứng tá cho sự thật, nhưng vì bản thân của họ. Vì đi tu mà có nhiều điều kiện hơn, tương quan rộng hơn, qua đó, họ có thể kiếm lợi, làm kinh tế nhanh hơn và thu gom được nhiều tiền bạc vật chất để giúp cho gia đình, dòng họ.
Họ trá hình dưới lớp áo nhà tu, họ nói về đời tu, hướng dẫn người khác tu, nhưng họ thì không tu. Tâm trí họ luôn là tiền bạc, vật chất, là kế sách và mưu lược để có thêm chỗ đứng, chỗ dựa. Tâm hồn họ nặng trĩu mùi tục lụy, đường đời họ thì luôn gắn bó với những giá trị bọt bèo, tương đối, chóng qua.
Loại người có đạo giống như câu truyện trong Tin Mừng diễn tả: “hạt giống rơi trên vệ đường nên bị chim chóc đến ăn mất; hạt rơi trên sỏi đá, khi nắng lên, nó liền bị cháy; hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả” (Mc 4,4-7).
Loại giữ đạo
Loại này thể hiện đời sống đạo qua việc giữ luật. Họ giữ luật không phải vì lòng yêu mến Chúa, nhưng vì sợ Chúa phạt. Thật trái ngược với điều Chúa Giêsu mong muốn, là : “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (x. Ga 14,15-21)
Mẩu truyện: Một thiên thần từ trời xuống, một tay cầm bó đuốc và một tay cầm xô nước. Thấy lạ nên có người thắc mắc.Thiên thần trả lời: ta dùng ngọn đuốc để thiêu rụi thiên đàng, còn xô nước để dập tắt hỏa ngục.Người kia lên tiếng: Cần phải có thiên đàng để thưởng công cho người giữ luật Chúa và hỏa ngục để phạt những kẻ bất tuân chứ.Thiên thần nói: Ta làm vậy, bởi con người chỉ lo giữ luật để được lên thiên đàng, chứ không phải vì yêu mến Chúa. (sưu tầm)

Loại giữ đạo giống như cây trồng, tuy không chết, nhưng cũng không sinh hoa kết quả, không cho cành lá tốt tươi để phục vụ cho cuộc sống con người. Nhìn nó mà người ta không biết nó là cây gì. Cũng vậy, loại giữ đạo nắm giữ thật chặt các giá trị mặc khải, bóp nghẹt mọi tinh hoa của ân sủng, khiến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa bị héo khô.
Loại giữ đạo giống như câu truyện trên, họ cố tuân giữ một số những luật lệ của Thiên Chúa, những quy định của Giáo hội, như ăn chay hai lần một năm, xưng tội rước lễ trong mùa Phục sinh ít là một lần, có đi lễ ngày Chúa nhật... Họ giữ đạo không phải vì lòng yêu mến Chúa yêu người, nhưng vì sợ xuống hỏa ngục, sợ Chúa phạt. Họ làm vì bắt buộc chứ không có tự nguyện, càng không có tự do, không có sự tác động của trái tim, sự thôi thúc của tâm hồn, sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Loại giữ đạo tự đóng khung bản thân, vo tròn cuộc sống, bao quanh cuộc đời mình lại bằng bức tường vững chắc của lề luật, của lý lẽ, mà quên đi sức mạnh của tình yêu, hoặc xem nhẹ các giá trị nghĩa tình, nghĩa thiết, nghĩa ân.
Loại giữ đạo không biểu lộ được các giá trị nhân cách, đạo đức và đức tin của mình. Họ giống như mồ mả tô vôi bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì dơ bẩn. Họ là người Công giáo, nhưng người khác không nhận ra được họ là gì, tôn giáo nào và Đấng họ tôn thờ là ai.
Loại giữ đạo có thể còn nhầm lẫn cho rằng cứ giữ luật là tốt, Thiên Chúa sẽ không làm gì được mình, và chắc chắn sẽ được vào thiên đàng.
Loại giữ đạo có thể trở nên kiêu căng tự phụ khi coi những việc tuân giữ của mình là đầy đủ, là bảo đảm, nên coi thường anh em, lên mặt dạy đời, và khinh chê người khác.
Loại giữ đạo nắm giữ thật chắc mọi ân sủng cùng các nén bạc Chúa ban mà không sinh hoa kết quả gì, chẳng sinh lợi ích chi cho bản thân, cho cộng đoàn và cho Giáo hội Chúa Kitô.
Loại giữ đạo dễ tính toán so đo kỹ lưỡng không những với Chúa, mà còn cả với những người thân yêu trong gia đình của mình, dù đó là cha mẹ hay vợ chồng hoặc con cái.
Loại giữ đạo biểu lộ một cuộc sống yếu nhược, yếm thế, buồn tẻ, nhàm chán, lãnh đạm, thờ ơ dửng dưng với các giá trị của siêu nhiên, của niềm vui, hạnh phúc và bình an.
Loại giữ đạo dễ chạy theo và tìm kiếm sự đồng thuận của dư luận, chứ không dựa vào chân lý và sự thật.
Loại giữ đạo dễ bực bội, cáu gắt, gây hấn với mọi người xung quanh khi không hợp, không đúng với suy nghĩ củamình.

Loại sống đạo
Khác với hai loại trên, người sống đạo sẽ toát lên trong đời sống của họ nét vui tươi phấn khởi, yêu đời yêu người, thư thái thanh thản, can đảm an bình, từ tốn nhân hậu, nhẫn nại hy sinh, bao dung tha thứ.
Khác với hai loại trên, người sống đạo sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống như thiên tai, đói nghèo, bệnh tật, nghề nghiệp, hiểu lầm, oan ức, nghi kỵ một cách tự tin, hiên ngang.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn can đảm đứng về phía công lý, công bằng, sự thật và chẳng có một áp lực của thể chế chính trị, của quyền lực con người làm cho họ chùn bước, sợ hãi.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa và bằng mọi cách thực thi Ý Ngài. Thiên Chúa luôn là chỗ dựa duy nhất, là sức mạnh vô biên, là nguồn ủi an bất tận cho họ. Họ say mê tìm kiếm Thiên Chúa, nhờ vậy, niềm tin được củng cố, lòng cậy thêm vững vàng, và lòng mến luôn sắt son.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn đặt tình nghĩa lên trên, lấy con người làm trọng để lắng nghe, cảm thông, khích lệ, giúp đỡ và coi đó là niềm vui cho cuộc sống. Họ không so đo hơn thiệt, cũng chẳng tính toán chi li, mà luôn tìm cách để được người hơn được việc, lợi chung hơn là ích riêng.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn lưu tâm đến các giá trị của nhân cách, tinh thần, tình yêu, Đấng vĩnh cửu, nhờ vậy, mọi chiều kích nhân bản, đạo đức, trí thức, bác ái được luôn phát triển và thăng tiến.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn tìm cách xây dựng và phát triển Giáo hội cũng như xã hội. Triều thiên vinh quang đời họ được kết dệt từ những hy sinh và phục vụ tha nhân trong yêu thương, kính trọng và quý mến.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Họ không quá tham vọng cũng không bi quan, không thất vọng cũng chẳng tự cao, nhưng vui lòng đón nhận cuộc sống với tất cả mọi thử thách và thách đố của nó.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn đi tìm vinh quang cho Thiên Chúa, cho Giáo hội, cho gia đình và anh em, chứ không tìm xây dựng chỗ đứng và vinh quang cho riêng mình.
Là con cái Thiên Chúa
Là con cái Thiên Chúa mà chỉ dừng lại ở hai loại trên, thì sức sống của Giáo hội và của bản thân sẽ chậm phát triển, trở nên ì ạch, xa lạ với con người, giống như một cỗ xe hoành tráng to lớn, nhưng lại chạy bằng hơi nước vậy.
Yêu mến phải được đặt lên hàng đầu. Yêu mến phải là động lực mạnh mẽ chi phối mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của con người. Yêu mến phải bao trùm toàn bộ cuộc sống con người, và hành động để vừa chứng thực cho lòng yêu mến của mình. Nhờ vậy, niềm vui nâng cao, sức sống dồi dào, an bình đích thực. Yêu mến phải trở thành nguồn say mê, là hạnh phúc, là nguồn vui cho mọi người kiếm tìm.
Nhiều người đã nhầm lẫn giữa hành vi và động lực. Vì vậy, họ đã cố làm nhiều việc và cho rằng mình đã hiếu thảo, đã cố gắng giữ luật và cho rằng mình đã yêu mến Chúa. Tất cả phải ngược lại.
Giống như con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ trước, là biết quan tâm, chăm sóc, lo lắng, khích lệ ủi an, rồi dùng nhiều việc khác để chứng minh lòng thành ấy như giúp đỡ vật chất, lo cho sức khỏe, chia sẻ công việc... Còn ngược lại, bảo rằng tôi đã lo lắng, hỗ trở tiền bạc cho cha mẹ thì coi như đã có lòng hiếu thảo thì thật không đúng.
Cũng vậy đối với Thiên Chúa, con người yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực trước. Lòng yêu mến này được kiểm chứng bằng việc chú tâm lắng nghe những hướng dẫn của Ngài, và chu đáo cẩn thận trong việc thực hiện các giáo huấn ấy.
Lời Chúa Chúa Giêsu dạy ta cần phải nhớ để tránh sự lầm lạc đáng tiếc: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy...(x. Ga 14,15-21).