PM. CAO HUY HOÀNG, 20.6.2011
Suy niệm lễ Mình Máu Thánh Chúa
Chuẩn bị mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa, một ca đoàn Giáo Xứ ở vùng quê, tập bài hát nầy:
“Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con, với những vui buồn cuộc đời nhân gian, bước con lầm than tình Chúa vẫn dâng tràn. Tình yêu của Chúa ví như khung trời xanh, ngày đêm lặng lẽ vẫn chở che mọi lúc, bước con an bình đời thắm tươi đẹp tình.Chúa ở cùng con với tấm lòng son sống cho đời con chan chứa khôn vơi tình thương Chúa sáng ngời. Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời nầy”.
“Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con, với những vui buồn cuộc đời nhân gian, bước con lầm than tình Chúa vẫn dâng tràn. Tình yêu của Chúa ví như khung trời xanh, ngày đêm lặng lẽ vẫn chở che mọi lúc, bước con an bình đời thắm tươi đẹp tình.Chúa ở cùng con với tấm lòng son sống cho đời con chan chứa khôn vơi tình thương Chúa sáng ngời. Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời nầy”.
(Lời bài hát “Chúa trong đời con” của Lm. Ns. Thái Nguyên )
Chọn và tập bài hát này để hát lúc Rước Lễ trong lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, có một vài ca viên thắc mắc rằng: lễ Mình Máu Thánh Chúa mà sao hát bài nầy, nghe không có gì là Thánh Thể, là Mình Máu Thánh Chúa cả.
Anh ca trưởng ôn tồn nói:
Anh ca trưởng ôn tồn nói:
- Thưa anh em, lâu nay chúng ta đã hát nhiều bài về Mầu Nhiệm Thánh Thể và tôn vinh Thánh Thể Chúa, hôm nay tôi chọn bài nầy, vì tôi nghĩ sống Bí Tích Thánh Thể không chỉ là việc tôn vinh Thánh Thể Chúa và rước lấy Mình Thánh Máu Thánh Chúa, mà còn phải sống niềm Tin Cậy Mến, với lòng tạ ơn Chúa Giêsu đang ngự trong lòng, và hơn thế nữa phải trở nên của ăn cho mọi người bằng việc bác ái, dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Rước lấy Thánh Thể Chúa, là “Chúa vẫn âm thầm từng ngày trong con”. Tâm hồn mình là Nhà Tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể. Đi đâu, ở đâu, làm gì, chúng mình cũng đang có Chúa. Vậy mà, chúng mình vẫn theo lệ rước lễ thì vẫn rước lễ, mà vẫn quên Chúa đang sống trong lòng mình. Có phải vơ đũa cả nắm không, nhưng tôi biết chúng mình vẫn cầu nguyện rằng: Xin Chúa cho con, cho nhà con, cho vợ con, cho chồng con được chuyện nầy, việc nọ. Tôi nghĩ cách cầu nguyện ấy vừa kém Đức Tin: vì không lẽ Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở trong chúng ta không biết chúng ta cần gì sao? Lại vừa kém Đức Ái: vì lời cầu nguyện ấy chỉ qui về cho mình, cho nhà mình. Lòng mình không trải ra với mọi người. Lòng mình không chút bận tâm đến ai. Cầu nguyện mà còn ích kỷ như thế thì huống gì nói đến việc chia sẻ. Trong khi đó, Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng mình đang muốn mình trở nên tấm bánh bẻ ra nuôi sống mọi người. Tấm bánh bẻ ra ấy là sự dâng hiến cho Thiên Chúa mà anh em mình quyết tâm: “Tình con dâng Chúa quyết tâm từ đây mến yêu nồng say dấn thân dựng xây trọn cả cuộc đời này”. Đầu giờ và cuối giờ tập hát anh em mình hay cầu nguyện cho những địa chỉ mà anh em không quen biết là vì lý do như vậy đó. Xin anh em thông cảm vui lòng, tôi đã chọn bài này. Cả ca đoàn lặng thinh, suy niệm, rồi đọc kinh kết thúc giờ tập hát sốt sắng.
……
Từ những suy tư của anh ca trưởng, tôi chợt nhớ bố tôi hay nói về chuyện hầu hết các bài giảng đều dẫn chúng ta đến kết luận là sống sao cho được vào Nước Trời, được vào Thiên Đàng, được Ơn Cứu Rỗi; như thế đấy, làm cho mọi người cứ lầm tưởng rằng Nước Trời ở đâu xa lắm, Thiên Đàng là nơi ta sẽ đến, Ơn Cứu Rỗi còn ở phía tương lai.
Thực ra, Nước Trời, Thiên Đàng, Ơn Cứu Rỗi đang ở đây, không ở đâu xa, đang ở trong lòng ta: chính Thánh Thể Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta” ( Ga 6, 56 – 57 ).
Hơn nữa, dù Thánh Lễ diến ra ở Âu, Á, Mỹ hay Phi, ở thành thị hay thôn quê, ở Nhà Thờ Chính Tòa hay trong nơi lao tù, trong trại cải tạo, thì tấm bánh ấy, chén rượu ấy, cũng là chỉ một Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu, và tất cả chúng ta, những người rước lấy, đều sống chung một nguồn sống duy nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy, mọi người đang sống trong thiên đàng của Thiên Chúa ngay hôm nay. Vì thế, việc thể hiện tình hiệp nhất, yêu thương, việc bác ái giúp nhau phần hồn phần xác để đi trọn cuộc lữ hành này, là bổn phận thiết yếu của mỗi chi thể trong cùng một Thánh Thể Chúa Kitô.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao ? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao ? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. (1Cr 10, 16 – 17 )
Thế là, hình ảnh sống động của Nước Trời, của Thiên Đàng, của Ơn Cứu Rỗi, còn cụ thể qua việc bác ái. Hai cụ bà hành khất ở xó chợ. Một bà còn lết được, một bà bất toại một chỗ. Bà còn lết được chia cho bà kia những gì mà mình kiếm được mỗi ngày. Hai bạn tù chia nhau một mẫu bánh. Hai người cùng khổ chia nhau mấy con cá lăn tiêu… Đó là hình ảnh Nước Thiên Đàng của Thiên Chúa đang sống động trong chúng ta.
Thiên Đàng không ở đâu xa, không là tương lai, nhưng là hiện tại, là ngay lúc nầy, ở ngay trong lòng ta: Chúa Giêsu Thánh Thể và việc bác ái yêu người mà Thánh Thể Chúa mong muốn, thôi thúc, hướng dẫn.
Thiên Đàng không ở đâu xa, không là tương lai, nhưng là hiện tại, là ngay lúc nầy, ở ngay trong lòng ta: Chúa Giêsu Thánh Thể và việc bác ái yêu người mà Thánh Thể Chúa mong muốn, thôi thúc, hướng dẫn.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa còn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và giúp đỡ đặc biệt cho các Linh Mục, hiện thân của Chúa Kitô, hiện thân của Thánh Thể, của ơn cứu rỗi. Việc giúp đỡ các Linh Mục có một đời sống vật chất, có phương tiện rao giảng Lời Chúa và chu toàn sứ vụ, thì dễ, nhưng việc góp ý xây dựng thì không dễ chút nào. Vì vậy, thiết tưởng phải liên lỉ cầu nguyện cho các linh mục nên thánh thiện theo gương Chúa Giêsu chí thánh.
Ở một Giáo Xứ gần chỗ tôi, có cụ già đạo đức đặc biệt. Tuổi cụ hơn gấp đôi tuổi cha sở. Gần đây, cụ thường nhắm mắt lại khi cha sở đọc Lời Truyền Phép. Ai hỏi cụ tại sao nhắm mắt, cụ trả lời là thói quen. Nhưng thực ra, không phải như thế. Mới đây, cụ đã vào xin gặp riêng cha sở.
“Xin cha đóng cửa lại. Con muốn thưa chuyện riêng với cha… Thưa cha, mỗi khi cha đọc Lời Truyền Phép, con nhắm mắt lại để không nhìn thấy cha, để chiêm ngưỡng chỉ một Chúa Giêsu quá sức khiêm nhường. Vì dù cha là con người có bất toàn thế nào đi nữa, có thể có nhiều tai tiếng không tốt, hoặc kể là cha có tội lỗi đi nữa, thì Chúa Giêsu cũng vâng lời cha mà ngự xuống trong hình Bánh Rượu, để nên Mình Thánh Máu Thánh dưỡng nuôi linh hồn chúng con…Cha biết đó, giáo dân xứ mình đang không vâng lời cha, bỏ xứ nhà sang dự lễ xứ bạn, không tham dự thánh lễ với cha, không xưng tội với cha, còn chống lại cha nữa. Trong khi đó, Chúa Giêsu không bỏ cha, còn thương cha, thương con, thương yêu mọi người mà chịu vâng lời cha ngự xuống trong hình bánh rượu nữa. Mong cha nghĩ lại điều này, để Giáo Dân cũng vâng lời cha như trước”.Tôi nghĩ cụ già ấy đang làm một việc bác ái do chính Thánh Thể Chúa thôi thúc, Khi đã hiệp nhất trong cùng một tấm bánh, trong cùng một thân thể, thì thương tích của chi thể nầy cũng là nỗi đau của chi thể kia. Không thể có sự dững dưng vô tình trước những thương tích xác hồn của anh em cùng chung tấm bánh, chung ly rượu, đặc biệt hơn khi những anh em đó lại là những hiện thân của Chúa Kitô.
“Chúa vẫn âm thầm đợi chờ trong con,biết hiến dâng trọn cuộc đời xin vâng, biết quên mình đi để mến yêu chân tình, để còn vang mãi khúc ca của đời con, lời chúc tụng Chúa Đấng Tình Yêu vạn thuở, Đấng con tôn thờ và mến yêu đợi chờ”( Lời bài hát “Chúa trong đời con” của Lm. Ns. Thái Nguyên ) Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tạ ơn và kính thờ Chúa đang ngự trong lòng chúng con. Xin cho chúng con tấm lòng và bàn tay yêu thương dấn thân phục vụ như tấm bánh bẻ ra cho đời. Xin cho các Linh Mục của Chúa đồng hình đồng dạng với Chúa, Đấng đã tế lễ đời mình nên thần lương, nên sự sống Thiên Đàng cho chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét