Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

THỊT VÀ MÁU

Giuse Việt, O.Carm.

Ngày nó chưa trở thành Kitô hữu, một người bạn không có đạo kể với nó: “Tao nghe nói rằng mỗi Chủ Nhật người Công Giáo ăn thịt và uống máu sống. Thời đại này mà còn những chuyện kinh khủng như vậy. Dã man quá!” 
“Mày nghe ai đồn nhảm thế? Làm gì có chuyện đó!” Nó không tin gạt đi. 
Thế rồi nó mon men đến một ngôi thánh đường để xem thực hư thế nào. Từ hàng ghế cuối trong góc khuất nhà thờ, nó nghe vị linh mục cung kính đọc rõ từng lời: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn: vì này là mình Thầy, trao ban cho anh em.” Rồi vị linh mục cầm lấy chén rượu đọc tiếp: “Tất cả anh em, hãy cầm lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, đổ ra cho anh em.”(Lc 22:19) Lúc này nó nhớ lại lời thằng bạn kia nói.
Một lúc sau, nó thấy người ta lên nhận một tấm bánh trăng trắng nho nhỏ và ăn, rồi nhận một chén gì đó rồi uống. Nó chợt thấy rùng mình nổi gai ốc. 
Từ ngày ấy, nó bắt đầu tìm hiểu về cái mà người vẫn gọi là “ăn thịt và uống máu sống”. Sự thật không hoàn toàn giống như thằng bạn nó phao tin đồn. Nó phát hiện ra nhiều điều lý thú hơn như vậy. 
+++ 
Bây giờ, nó là một Kitô hữu. Hiểu biết của nó rộng thoáng hơn, tâm hồn nó chan hoà hơn, thái độ sống của nó tích cực hơn vì nó đã “ăn thịt và uống máu” của Thầy Giêsu. Nó không biết giải thích thế nào cho thằng bạn kia hiểu điều nó đã khám phá trong tâm hồn. Thằng bạn kia cũng chẳng thắc mắc nhiều vì đó là chuyện riêng của nó, nhưng hắn thấy nó vui vẻ và bình an hơn trước. 
Thế rồi một ngày kia, trong khi đang cầm tấm bánh trên tay, tự dưng trong tâm trí nó xuất hiện bao nhiêu câu hỏi: Đây là Chúa thật sao? Làm sao Chúa Tể trời đất có thể ở trong tấm bánh nhỏ bé, mỏng manh mà mình sắp ăn? Có thật là bánh này trở thành mình Chúa và rượu này trở thành máu Chúa không? Nếu có thì việc này xảy ra như thế nào? Tại sao Chúa lại chọn ở trong tấm bánh, ly rượu này? Sao tôi không thấy chúng giống thịt và máu bình thường?... 
Từ đó, nó có nhiều thắc mắc, băn khoăn về Thánh Thể. Nó cảm thấy khó hiểu nhưng may thay nó kiên nhẫn học hỏi Kinh Thánh và Truyền Thống để tìm câu trả lời.
+++ 
Một ngày kia, nó tìm thấy câu trả lời như sau: 
Trước khi trời đất được tạo thành, có một Tình Yêu Vô Biên tự hữu mà niềm tin Kitô gọi là Thiên Chúa. Tình Yêu ấy tuôn trào sáng tạo mọi sự tốt đẹp, trong đó có con người. Tình Yêu chăm sóc con người qua từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim, từng cảm nghĩ. Khi con người dùng tự do của mình để lạc xa Tình Yêu, Tình Yêu vẫn hiện diện sát bên để đồng hành nâng đỡ. Tình Yêu khao khát trao ban, ngày càng mãnh liệt theo dòng thời gian. Cho đến một ngày kia, Thiên Chúa Tình Yêu đã quyết định hoá thành Con Người để ở giữa nhân loại. Thiên-Chúa-ở-với-nhân-loại ấy mang một cái tên con người là Giêsu (Mt 1:23; Lc 1:31). Ngài đã sống với, sống cho, sống vì con người bất kể họ là ai. Cả cuộc đời Ngài gói trọn vẹn trong một chữ “yêu” và yêu cho đến tận cùng (Ga 13:1). 
Tiếp tục lật giở từng trang Kinh Thánh, nó đọc được tâm sự của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu khi Thầy nói: “Cha ơi, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…. Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:20-24) Một khao khát mãnh liệt được ở với từng con người để chăm sóc họ luôn canh cánh bên lòng Thiên-Chúa-làm-người cho đến dòng cuối cùng của sách Tin Mừng: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) 
    Bây giờ thì nó đã hiểu. Câu trả lời cho những thắc mắc hóc búa hôm nào trở thành khá đơn giản: tất cả nằm ở “tấm lòng Thiên Chúa”. Cầm tấm bánh và ly rượu đã thánh hiến, nó cảm thấy tự tin và hạnh phúc vô cùng. “Đây là Chúa thật sao?” Đúng, đây là Thiên Chúa của nó. “Làm sao Chúa Tể trời đất có thể ở trong tấm bánh nhỏ bé, mỏng manh mà mình sắp ăn? Thiên Chúa có thể tạo dựng trời đất dễ dàng thì chuyện này có ăn thua gì chứ. Có thật là bánh này trở thành mình Chúa và rượu này trở thành máu Chúa không? Nó không muốn giải thích dài dòng mà chỉ muốn khẳng định rằng khi nó lãnh nhận bánh rượu này, nó được nuôi dưỡng một cách lạ lùng, được bình an và hạnh phúc sâu xa trong tâm hồn mà chẳng có loại thức ăn nào làm được. Nếu có thì sự việc xảy ra như thế nào? Truyền thống dạy rằng khi linh mục đọc lại lời của Thầy Giêsu trong Thánh Lễ thì bản thể của bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa. Bên ngoài là hình bánh rượu nhưng bên trong không còn là bánh rượu nữa. Nó thì suy nghĩ đơn giản thế này thôi: Xảy ra như thế nào thì đó là việc của Chúa. Ngài luôn làm những gì Ngài nói, chẳng bao giờ thất hứa. Tại sao Chúa lại chọn ở trong tấm bánh, ly rượu này? Đơn giản vì Chúa rất tâm lý: Người chọn cách thức bình dân và gần gũi nhất để thể hiện điều sâu thẳm và cao quý nhất. Còn gì bình dân gần gũi hơn là ăn uống. Còn gì thẳm sâu cao quý hơn là trao ban chính mình. Ồ mà sao tôi không thấy chúng giống thịt và máu bình thường nhỉ? Đến đây thì nó thấy câu hỏi trở nên nực cười. Đố nó dám ăn thịt sống uống máu tươi! Thiên Chúa thật là tâm lý. Ngài hiện diện tràn đầy mà lại vô cùng nhẹ nhàng. Ngài có đó trọn vẹn mà cứ như ẩn mình để không làm người đón nhận sợ hãi hay mất tự do. Ngài chẳng cần vinh quang cao sang mà chỉ cần ở với con người. Chúa cứ hiện diện lặng lẽ một cách dễ thương như vậy. Nó mỉm cười. Nhẹ nhõm trong tạ ơn. 
Bạn mến, phần cuối lời truyền phép Thánh Thể, vị linh mục còn lặp lại lời Thầy: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (Lc 22:19; 1Cr 11:25) Việc Thầy làm là trao ban chính mình làm lương thực trường sinh cho các môn đệ, trong đó có chúng mình. Vậy ta hãy nguyện sẵn sàng trở nên lương thực nuôi dưỡng anh chị em, bạn nhé. 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét