THANH THANH
Niềm tin vào Thiên Chúa của người Công giáo toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng, được xếp vào ba loại sau: có đạo, giữ đạo và sống đạo.
Loại có đạo
Khi lãnh Bí tích Rửa tội, thì họ trở thành người có đạo, là người Công giáo.
Họ vào đạo vì ích lợi bản thân, vì nhu cầu tình cảm và tư lợi…chứ không vì lòng mến Chúa.
Họ vào đạo vì lập gia đình, có thế mới lấy được chồng, mới cưới được vợ.
Họ vào đạo để khi chết có chỗ chôn, lập gia đình thì cử hành long trọng trong nhà thờ, lúc sống thì nhận được sự giúp đỡ về cơm gạo, nhà cửa, tiền bạc, quần áo, sách vở, nghề nghiệp…
Họ vào đạo nhưng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, không liên kết với cộng đoàn đức tin qua việc cử hành phụng vụ, cũng chẳng làm việc phụng tự. Họ tách rời các sinh hoạt của Giáo hội, trừ vài dịp đặc biệt như rửa tội, cưới xin, an táng của họ hay gia đình họ mà thôi.
Cao cấp hơn, họ còn đi tu nữa. Họ đi tu không phải vì yêu mến Chúa, cũng chẳng quan tâm đến Giáo hội, càng không màng chi đến các linh hồn. Họ đi tu không phải để hiến thân vì Chân Lý, chứng tá cho sự thật, nhưng vì bản thân của họ. Vì đi tu mà có nhiều điều kiện hơn, tương quan rộng hơn, qua đó, họ có thể kiếm lợi, làm kinh tế nhanh hơn và thu gom được nhiều tiền bạc vật chất để giúp cho gia đình, dòng họ.
Họ trá hình dưới lớp áo nhà tu, họ nói về đời tu, hướng dẫn người khác tu, nhưng họ thì không tu. Tâm trí họ luôn là tiền bạc, vật chất, là kế sách và mưu lược để có thêm chỗ đứng, chỗ dựa. Tâm hồn họ nặng trĩu mùi tục lụy, đường đời họ thì luôn gắn bó với những giá trị bọt bèo, tương đối, chóng qua.
Loại người có đạo giống như câu truyện trong Tin Mừng diễn tả: “hạt giống rơi trên vệ đường nên bị chim chóc đến ăn mất; hạt rơi trên sỏi đá, khi nắng lên, nó liền bị cháy; hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả” (Mc 4,4-7).
Loại giữ đạo
Loại này thể hiện đời sống đạo qua việc giữ luật. Họ giữ luật không phải vì lòng yêu mến Chúa, nhưng vì sợ Chúa phạt. Thật trái ngược với điều Chúa Giêsu mong muốn, là : “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (x. Ga 14,15-21)
Mẩu truyện: Một thiên thần từ trời xuống, một tay cầm bó đuốc và một tay cầm xô nước. Thấy lạ nên có người thắc mắc.Thiên thần trả lời: ta dùng ngọn đuốc để thiêu rụi thiên đàng, còn xô nước để dập tắt hỏa ngục.Người kia lên tiếng: Cần phải có thiên đàng để thưởng công cho người giữ luật Chúa và hỏa ngục để phạt những kẻ bất tuân chứ.Thiên thần nói: Ta làm vậy, bởi con người chỉ lo giữ luật để được lên thiên đàng, chứ không phải vì yêu mến Chúa. (sưu tầm)
Loại giữ đạo giống như cây trồng, tuy không chết, nhưng cũng không sinh hoa kết quả, không cho cành lá tốt tươi để phục vụ cho cuộc sống con người. Nhìn nó mà người ta không biết nó là cây gì. Cũng vậy, loại giữ đạo nắm giữ thật chặt các giá trị mặc khải, bóp nghẹt mọi tinh hoa của ân sủng, khiến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa bị héo khô.
Loại giữ đạo giống như câu truyện trên, họ cố tuân giữ một số những luật lệ của Thiên Chúa, những quy định của Giáo hội, như ăn chay hai lần một năm, xưng tội rước lễ trong mùa Phục sinh ít là một lần, có đi lễ ngày Chúa nhật... Họ giữ đạo không phải vì lòng yêu mến Chúa yêu người, nhưng vì sợ xuống hỏa ngục, sợ Chúa phạt. Họ làm vì bắt buộc chứ không có tự nguyện, càng không có tự do, không có sự tác động của trái tim, sự thôi thúc của tâm hồn, sự thúc đẩy của Thánh Thần.
Loại giữ đạo tự đóng khung bản thân, vo tròn cuộc sống, bao quanh cuộc đời mình lại bằng bức tường vững chắc của lề luật, của lý lẽ, mà quên đi sức mạnh của tình yêu, hoặc xem nhẹ các giá trị nghĩa tình, nghĩa thiết, nghĩa ân.
Loại giữ đạo không biểu lộ được các giá trị nhân cách, đạo đức và đức tin của mình. Họ giống như mồ mả tô vôi bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì dơ bẩn. Họ là người Công giáo, nhưng người khác không nhận ra được họ là gì, tôn giáo nào và Đấng họ tôn thờ là ai.
Loại giữ đạo có thể còn nhầm lẫn cho rằng cứ giữ luật là tốt, Thiên Chúa sẽ không làm gì được mình, và chắc chắn sẽ được vào thiên đàng.
Loại giữ đạo có thể trở nên kiêu căng tự phụ khi coi những việc tuân giữ của mình là đầy đủ, là bảo đảm, nên coi thường anh em, lên mặt dạy đời, và khinh chê người khác.
Loại giữ đạo nắm giữ thật chắc mọi ân sủng cùng các nén bạc Chúa ban mà không sinh hoa kết quả gì, chẳng sinh lợi ích chi cho bản thân, cho cộng đoàn và cho Giáo hội Chúa Kitô.
Loại giữ đạo dễ tính toán so đo kỹ lưỡng không những với Chúa, mà còn cả với những người thân yêu trong gia đình của mình, dù đó là cha mẹ hay vợ chồng hoặc con cái.
Loại giữ đạo biểu lộ một cuộc sống yếu nhược, yếm thế, buồn tẻ, nhàm chán, lãnh đạm, thờ ơ dửng dưng với các giá trị của siêu nhiên, của niềm vui, hạnh phúc và bình an.
Loại giữ đạo dễ chạy theo và tìm kiếm sự đồng thuận của dư luận, chứ không dựa vào chân lý và sự thật.
Loại giữ đạo dễ bực bội, cáu gắt, gây hấn với mọi người xung quanh khi không hợp, không đúng với suy nghĩ củamình.
Loại sống đạo
Khác với hai loại trên, người sống đạo sẽ toát lên trong đời sống của họ nét vui tươi phấn khởi, yêu đời yêu người, thư thái thanh thản, can đảm an bình, từ tốn nhân hậu, nhẫn nại hy sinh, bao dung tha thứ.
Khác với hai loại trên, người sống đạo sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống như thiên tai, đói nghèo, bệnh tật, nghề nghiệp, hiểu lầm, oan ức, nghi kỵ một cách tự tin, hiên ngang.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn can đảm đứng về phía công lý, công bằng, sự thật và chẳng có một áp lực của thể chế chính trị, của quyền lực con người làm cho họ chùn bước, sợ hãi.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa và bằng mọi cách thực thi Ý Ngài. Thiên Chúa luôn là chỗ dựa duy nhất, là sức mạnh vô biên, là nguồn ủi an bất tận cho họ. Họ say mê tìm kiếm Thiên Chúa, nhờ vậy, niềm tin được củng cố, lòng cậy thêm vững vàng, và lòng mến luôn sắt son.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn đặt tình nghĩa lên trên, lấy con người làm trọng để lắng nghe, cảm thông, khích lệ, giúp đỡ và coi đó là niềm vui cho cuộc sống. Họ không so đo hơn thiệt, cũng chẳng tính toán chi li, mà luôn tìm cách để được người hơn được việc, lợi chung hơn là ích riêng.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn lưu tâm đến các giá trị của nhân cách, tinh thần, tình yêu, Đấng vĩnh cửu, nhờ vậy, mọi chiều kích nhân bản, đạo đức, trí thức, bác ái được luôn phát triển và thăng tiến.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn tìm cách xây dựng và phát triển Giáo hội cũng như xã hội. Triều thiên vinh quang đời họ được kết dệt từ những hy sinh và phục vụ tha nhân trong yêu thương, kính trọng và quý mến.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Họ không quá tham vọng cũng không bi quan, không thất vọng cũng chẳng tự cao, nhưng vui lòng đón nhận cuộc sống với tất cả mọi thử thách và thách đố của nó.
Khác với hai loại trên, người sống đạo luôn đi tìm vinh quang cho Thiên Chúa, cho Giáo hội, cho gia đình và anh em, chứ không tìm xây dựng chỗ đứng và vinh quang cho riêng mình.
Là con cái Thiên Chúa
Là con cái Thiên Chúa mà chỉ dừng lại ở hai loại trên, thì sức sống của Giáo hội và của bản thân sẽ chậm phát triển, trở nên ì ạch, xa lạ với con người, giống như một cỗ xe hoành tráng to lớn, nhưng lại chạy bằng hơi nước vậy.
Yêu mến phải được đặt lên hàng đầu. Yêu mến phải là động lực mạnh mẽ chi phối mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của con người. Yêu mến phải bao trùm toàn bộ cuộc sống con người, và hành động để vừa chứng thực cho lòng yêu mến của mình. Nhờ vậy, niềm vui nâng cao, sức sống dồi dào, an bình đích thực. Yêu mến phải trở thành nguồn say mê, là hạnh phúc, là nguồn vui cho mọi người kiếm tìm.
Nhiều người đã nhầm lẫn giữa hành vi và động lực. Vì vậy, họ đã cố làm nhiều việc và cho rằng mình đã hiếu thảo, đã cố gắng giữ luật và cho rằng mình đã yêu mến Chúa. Tất cả phải ngược lại.
Giống như con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ trước, là biết quan tâm, chăm sóc, lo lắng, khích lệ ủi an, rồi dùng nhiều việc khác để chứng minh lòng thành ấy như giúp đỡ vật chất, lo cho sức khỏe, chia sẻ công việc... Còn ngược lại, bảo rằng tôi đã lo lắng, hỗ trở tiền bạc cho cha mẹ thì coi như đã có lòng hiếu thảo thì thật không đúng.
Cũng vậy đối với Thiên Chúa, con người yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực trước. Lòng yêu mến này được kiểm chứng bằng việc chú tâm lắng nghe những hướng dẫn của Ngài, và chu đáo cẩn thận trong việc thực hiện các giáo huấn ấy.
Lời Chúa Chúa Giêsu dạy ta cần phải nhớ để tránh sự lầm lạc đáng tiếc: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy...(x. Ga 14,15-21).