Nhưng xét cho cùng, con người cũng phức tạp và khó hiểu không kém.
Phức tạp vì con người không thống nhất đời sống, ngôn hành bất nhất. Không thống nhất giữa cái là và cái làm, nói vậy mà không phải vậy. “Điều con người muốn thì lại không làm, điều không muốn thì lại làm” (Rm 7,15). Con người không chấp nhận thân phận của mình. Vì vậy, con người luôn bị xung khắc giữa chọn lựa, chấp nhận bản thân và chấp nhận Thiên Chúa. Con người luôn có khuynh hướng đấu tranh để chứng tỏ bản lãnh của mình là mạnh, là nhất, có đủ mọi điều kiện làm chủ đời mình, làm chủ thế giới. Vì lẽ ấy mà con người rất chậm trong việc đón nhận sự thật, đón nhận chân lý.
Con người thật khó hiểu...
Khi Gioan tiền hô đến với họ trong chay tịnh, ăn uống nghiêm ngặt, đời sống khắc khổ, lương thực bằng châu chấu và mật ong, mặc áo nhặm da thú thì họ gọi là “bị quỉ ám”. Còn Chúa Giêsu đến cũng ăn cũng uống, cuộc sống không có gì dị biệt, thì bị kết án là mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi.
Khi Chúa Giêsu đến, đưa ra luật tình yêu thì người biệt phái cứ khư khư lấy luật công bằng, luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Khi Chúa Giêsu dạy lúc chay tịnh cần tắm rửa cho sạch, xức dầu cho thơm, cuộc sống hãy lạc quan yêu đời, vui tươi phấn khởi, thì con người lại nhăn nhó, âu sầu, phiền não.
Khi Chúa Giêsu dạy cần chay tịnh từ căn bản bên trong tâm hồn, hãy xé lòng chứ đừng xé áo, Ngài nhắm đến chất lượng, thì con người lại nhắm đến số lượng, đến hình thức bên ngoài, ăn chay mấy lần, ăn chay ở đâu…
Khi cầu nguyện Chúa Giêsu dạy phải âm thầm, đóng kín cửa phòng và cửa lòng lại để chỉ còn một mình đối diện với Đấng thấu suốt mọi bí ẩn biết mà thôi, thì con người lại phô trưởng việc cầu nguyện ở giữa đường giữa phố, ở chốn đông người để nhiều người biết đến.
Con người thật khó hiểu...
Khi Chúa Giêsu cầu nguyện và dạy các tông đồ là hãy xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, thì con người lại khoe khoang và xin cho chính mình.
Khi Chúa Giêsu làm những phép lạ để phục vụ cho con người được ấm no, khoẻ mạnh, được chữa lành và được sống lại, thì con người lại nói là ông ấy dựa vào tướng quỷ mà trừ quỷ.
Khi Chúa Giêsu dạy lời hằng sống, nói lời chân thật, thì con người cho là chói tai, khó nghe, không thể chấp nhận, rồi bỏ đi.
Khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho Lazarô sống lại thì con người lại quyết định giết cả ông luôn.
Khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá vì tội lỗi của con người thì con người lại thách thức cứ nhảy xuống khỏi cây thập giá đi rồi sẽ tin, hay như thầy lang ơi hãy tự cứu mình đi.
Khi Chúa Giêsu sống lại thì họ nói là xác Chúa bị ăn cắp (Mt 28,13).
Con người thật khó hiểu...
"Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16). Thiên Chúa Đấng khôn ngoan đã chọn và hướng dẫn con người, thì con người lại tưởng rằng mình đủ sáng suốt trong chọn Chúa, rồi dễ bực tức khi thực tế xảy đến, lúc Chúa làm không theo con đường mình đã đặt ra.
"Không phải là tôi sống, chính là Chúa Kitô đang sống trong tôi" (Gl 2,20). Vậy mà con người tưởng rằng mình tự lo liệu, giải quyết được mọi vấn đề cho đời mình với những bon chen vun góp đủ thứ rồi coi đó là bảo đảm để tự kiêu, không cần phải cần đến ai hay Chúa nào cả.
“Không phải con người đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương con người trước" (1Ga 4,10). Con người nghĩ rằng mình có đi lễ, có đọc nhiều kinh, làm một số việc đạo đức và bác ái thì coi là mình đã yêu mến Thiên Chúa trước và đủ rồi.
“Thầy đã yêu thương anh em, vậy anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12). Một vài nghĩa cử phục vụ, chia sẻ thì dễ coi đó là lớn lao, là đi tiên phong trong việc yêu thương.
"Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng hãy tha thứ cho nhau" (Cl 3,13). Con người cứ nghĩ mình quảng đại, bao dung, là tha thứ đủ, là nhiều, đến 7 lần một ngày. Không phải, bảy mươi lần bảy…
Con người thật khó hiểu...
Chúa nói ta nghe, nhưng thực tế ta nói cho Chúa nghe là chính.
Gặp Chúa là để Chúa làm và biến đổi, thì ta lại khác làm và tìm cách biến đổi Chúa theo dự định của mình.
Gặp Chúa để khao khát tìm Thánh ý, thì ta lại tìm mọi cách để Thiên Chúa nghe và thực hiện chương trình của mình.
Thiên Chúa khôn ngoan hơn con người thì con người lại coi đó là điên rồ.
Con người tưởng rằng mình đang đứng thì có nghĩa là vững, không, con người có thể té ngã bất cứ lúc nào. Vì khi tự cho mình là mạnh thì lúc đó mình yếu.
Thánh Phaolô tông đồ nói cho giáo đoàn Corintô thật hay : “gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ” (1Cr 15,43). Kinh hoà bình của thánh Phaxicô cũng hay không kém : "Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.
Con người thật khó hiểu...
Chúa nói mọi sự đều có thể, thì con người lại cho là không thể.
“Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28), thì con người lại kêu mệt mỏi, nặng nề, quá sức.
“Anh em hãy mang lấy ách của Ta, học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường”(Mt 11,29), thì con người lại kêu là vất vả, khổ cực.
“Không có tình yêu nào quý hơn người hiến mạng sống vì người mình yêu”(Ga 15,13), thì con người lại than phiền mình chẳng được ai yêu thương, quan tâm giúp đỡ.
“Không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,5), “ơn của Ta đủ cho con” (2Cr 12,9), thì con người lại không muốn trông mong vào điều đó, hay không thể cậy dựa vào đó để bước đi .
Chúa Giêsu nói đừng sợ, thì con người lại sợ hãi, lại đóng kín cửa phòng, nản lòng, bỏ cuộc, về quê…
Ôi, con người thật khó hiểu…
(Nguồn: Thanh Phương)