Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

CN 26 Mùa Thường Niên Năm A

28/09/2014

PHÚC ÂM:  Mt 21, 28-32"Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông".



“Lạy Cha,
          Cha muốn cho mọi người được cứu độ
          và nhận biết chân lý,
          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.
          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
          chưa nhận biết Đức Giê-su,
          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.
          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
          khát vọng truyền giáo,
          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.
          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
          để loan báo Tin Mừng.
          Chúng con chỉ xin đến
          với những  người bạn gần bên,
          giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài,
          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.
          Chúng con cũng cầu nguyện
          cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.
          Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
          sinh nhiều hoa trái.  A-men.”
                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)



Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

CN 25 Thuờng niên năm A

24/09/17
Phúc Âm Mt 20,1-16a
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” (Mt 20,7)

KHÔNG BIẾT DÙNG ĐỒNG HỒ

Suy niệm:
Vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày là cái đồng hồ. Ba cây kim, một dài hai ngắn, cho ta biết được thời giờ để có những sinh hoạt thích hợp. Bài dụ ngôn hôm nay phác họa hình ảnh Thiên Chúa nhân lành qua một chi tiết dí dỏm: có vẻ như Ngài không biết dùng đồng hồ như con người! Các giờ được kể ra (giờ một, ba, sáu, chín, mười một) cho thấy một ông chủ tất bật ra vào để chiêu mộ thợ, bất kể sáng hay chiều, sớm hay muộn. Ưu tư chính của ông chủ không phải là giờ giấc, nhưng là sợ các người thợ không có công ăn việc làm. Chuyện ông chủ không biết dùng đồng hồ ấy còn rõ ràng hơn nữa khi tính tiền công cho thợ. Người thợ làm từ sáng sớm cũng như người lao động từ năm giờ chiều, đều lãnh lương như nhau: một quan tiền, lương công nhật người Do Thái thời đó. Trả lương như ông chủ này chắc chắn sẽ thua lỗ te tua!
Mời Bạn:
Bạn đã rút ra kết luận rồi đó: Thiên Chúa chính là người chủ nhân hậu. Ngài sẵn lòng ban tặng ơn cứu độ cho mọi người, được diễn tả qua hình ảnh gọi vào vườn nho và lãnh một quan tiền. Ngài không dùng đồng hồ, một loại thước đo giá trị, công trạng, bởi vì Ngài quá nhân lành.
Chia sẻ:
Bạn rút ra bài học gì từ sự kiện Thiên Chúa không biết dùng đồng hồ?
Sống Lời Chúa:
Tập không nhìn đồng hồ khi đang cầu nguyện hay tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã dạy cho chúng con biết lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương bằng đời sống quảng đại với người lân cận. Amen.

Nguồn: 5 phút Lời Chúa tháng 09.2017


Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

CN 24 Thuờng niên năm A

17/09/17
Mt 18,21-35

THA THỨ THỜI KỸ THUẬT SỐ
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Chúa Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21)

Suy niệm:
Con số 7 trong Kinh Thánh vốn mang ý nghĩa tượng trưng diễn tả sự hoàn thành trọn vẹn (như Thiên Chúa sáng tạo trong bảy ngày…). Thế mà, để đánh giá sự tha thứ, Phê-rô đã giới hạn con số bảy hoàn hảo đó vào một dãy số chỉ có bảy đơn vị và coi đó như giá trị tối đa của lòng bao dung. Chúa Giê-su lưu ý rằng chính vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện và vô giới hạn - như trong dụ ngôn Chúa kể - chúng ta cũng không được hạn chế lòng bao dung thương xót vào cách tính toán hẹp hòi theo kiểu con người, mà phải hiểu “tha thứ đến bảy lần” có nghĩa là “bảy mươi lần bảy” nghĩa là cũng vô hạn và vô điều kiện như cung cách của Thiên Chúa.
Mời Bạn:
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người ta ngày càng muốn “số hoá” mọi sự, và với óc thực dụng, đòi “cân đong đo đếm” cả đến những thực tại tâm linh. Hậu quả là người ta muốn hạn chế ở mức tối thiểu những đòi hỏi của việc nên thánh, và ngược lại, cư xử hẹp hòi nghiệt ngã với tha nhân. Là con cái của Thiên Chúa, mời bạn cư xử cách bao dung quảng đại theo cung cách của Ngài trước tiên bằng việc tha thứ cho nhau đến vô hạn.
Chia sẻ
về bí quyết sống sau đây: “Để có thể tha thứ đến vô hạn trong những việc cụ thể, phải thường xuyên sống tinh thần bao dung.”
Sống Lời Chúa:
Luôn cười xoà mỗi khi có ai lỡ làm phiền bạn; vui vẻ chấp nhận những đau khổ nho nhỏ do người khác gây ra mà không bực bội thù oán.
Cầu nguyện:
Hát Kinh Hoà Bình.

Nguồn: 5 phút Lời Chúa tháng 09.2017


Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

CN 23 Thuờng niên năm A

10/09/17
Phúc Âm Mt 18,15-20

trong NHẪN NẠI VÀ YÊU THƯƠNG
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã  chinh phục được người anh em.”

Suy niệm:
Có thẻ xanh, nhập quốc tịch, trở thành công dân Mỹ, Úc, hay Canađa… là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời các đồng bào Việt Nam hải ngoại. Nhờ cái “mác” công dân nước sở tại, họ có được những quyền lợi ưu tiên, cũng như một số nghĩa vụ kèm theo. Cũng vậy, là công dân Nước Trời, các Ki-tô hữu phải sống theo những đòi hỏi của tư cách công dân Nước Trời ấy. Thông thường khi đứng trước lỗi lầm của người anh em, người ta thích cư xử theo kiểu “thế gian” là lên án, bêu xấu, rỉ tai với người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi các công dân Nước Trời phải “sống khác đi”: đó là thực thi tình bác ái qua việc sửa lỗi cho nhau theo trình tự “ba bước”: - kín đáo giữa mình với người anh em sai lỗi; - thân tình với người ấy cùng với một hoặc hai người anh em khác; - công khai ở giữa cộng đoàn.
Mời Bạn:
Phương pháp “Sửa Lỗi Ba Bước” đó muốn nói lên yếu tố bác ái và kiên trì trong việc sửa lỗi cho nhau. Bạn có đủ kiên nhẫn và tình yêu mến để thực hiện ba bước này không? Tôi có tìm cách sửa lỗi người anh em mà vẫn giữ được danh thơm tiếng tốt của họ không?
Chia sẻ:
Khi biết một người bạn lầm lỗi, tôi sửa lưng họ cách bực tức, hoặc kể lại với người khác, hay giúp họ sửa lỗi?
Sống Lời Chúa:
Tôi sẽ gặp một người thân và kiên trì giúp họ sửa lỗi qua ba bước như Chúa dạy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tín rằng mỗi lần con đem một người anh em trở về con đường thánh thiện của Chúa là con đang cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Amen.

Nguồn: 5 phút Lời Chúa tháng 09.2017