Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Clip TM CN 22 TN năm B

PHÚC ÂM: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Chúa Giêsu là một một con người hoàn toàn tự do, một con người giải phóng, một con người có quan niệm hoàn toàn mới, cái nhìn mới, cái nhìn thông thoáng về lề luật. Ngài chống lại những con người giả hình, vụ hình thức, những con người chỉ áp đặt trên vai những người khác ách nặng nề của lề luật do họ nghĩ, do họ bày đặt ra mà quên đi  cái cốt lõi là con tim của mình. Chúa Giêsu bảo vệ điều răn của Thiên Chúa, chống lại những thay thế truyền thống của người phàm trần.
Đối với Chúa Giêsu giữ tỉ mỉ, chi tiết từng khoản luật mà quên đi cái cốt lõi của đạo là lòng mến: đó là giả hình. Chúa Giêsu đã từng vạch mặt chỉ tên những kẻ giả hình dù họ thuộc hàng chóp bu lãnh đạo tôn giáo, hay họ là những kẻ cầm cân nẩy mực trong lãnh vực tôn giáo. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố:” Ngài đến không phải để phá lề luật mà để làm cho nên trọn”. Chúa Giêsu mời gọi con người tuân theo điều, và những gì Thiên Chúa đã thiết lập, truyền cho dân phải tuân giữ.
Người Kitô hữu vẫn không tránh khỏi những cám dỗ làm lấy lệ, giữ đạo cho qua. Đạo của Chúa không phải chỉ đọc đôi ba kinh trong nhà thờ, tới nhà thờ dự lễ, cầu kinh là đủ, để khỏi áy náy lương tâm. Đạo cốt thiết là đạo tình thương: chính từ trong phát xuất ra những điều tốt và những điều xấu. Những việc làm từ thiện, bác ái, những việc đạo đức bề ngoài xem ra rất có giá trị nếu chúng được làm với con tim, với ý ngay lành, với việc tuân thủ ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, các ngôn sứ, nhất là Isaia đã từng nhắc nhở: ”Dân này chỉ thờ phượng Ta ngoài môi miệng, còn lòng trí của chúng thì xa Ta” và  Isaia nhấn mạnh:”...Hãy chấm dứt làm điều dữ. Hãy học làm điều lành... Hãy bênh vực những kẻ goá bụa, mồ côi, neo đơn” và thánh Giacôbê trong bài đọc 2 đã viết:” Lòng đạo đức tinh tuyền và không chê trách được trước mặt Thiên Chúa Cha, ấy là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cơn cùng khốn, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”( Gc 1, 27 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và thực thi  cái cốt lõi của đạo là Tình Thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Clip TM CN 21 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".

Khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống, bánh trường sinh, bánh cứu độ (Ga 6, 51), thịt của Ngài là của ăn đích thực, máu của Ngài là của uống đích thực (Ga 6, 55), thì đã có nhiều người Do Thái chướng tai, gai mắt, ngay cả một số môn đệ của Chúa cũng không chấp nhận nổi, đã bỏ Ngài mà đi.
Sở dĩ có vô số người và một số môn đệ Chúa Giêsu đã không hiểu được cuộc sống và cái chết của Chúa vì họ vẫn suy nghĩ theo kiểu trần thế, họ chưa vươn cao lên, chưa nhìn mọi sự thuộc về trên cao, chưa hiểu những điều thuộc về Thiên Chúa.
Chỉ có những ai có con tim trong sạch, ý hướng ngay lành, ưa làm điều thiện, yêu thương kẻ khác mới nhận ra và đón nhận được cuộc sống, và ngay cả cái chết của Chúa Giêsu. Chỉ những ai biết cảm thông, tha thứ, quảng đại với người khác mới hiểu được ý  nghĩa cao vời của tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu và mới không thấy chói tai về câu nói của Chúa Giêsu.
Ngay cả nhóm mười hai, những môn đệ đầu tiên được Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng Chúa cũng đòi hỏi các ông phải nói lên sự chọn lựa dấn thân và tuyên xưng lòng tin, công khai nói lên sự chọn lựa dấn thân của họ
Lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô cũng là lời tuyên tín của Hội Thánh và mọi người Kitô hữu. Một lời tuyên xưng đức tin như thế làm nền tảng cho sự lựa chọn dấn thân vì Tin Mừng và vì phần rỗi của tha nhân và của chính bản thân mình. Tuyên xưng như thế là tin vào: ”Lời của Thầy ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Tin vào Lời của Chúa có nghĩa là chấp nhận cuộc sống của Chúa, làm theo Chúa, hy sinh bản thân cho phần rỗi và hạnh phúc của con người. Tin nhận Chúa và để cho Chúa xâm chiếm toàn thể cuộc đời là chấp nhận một tình yêu đã trở nên tuyệt đỉnh, tình yêu cao vời, đành mất tất cả, tình yêu đã trở nên cứu độ.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Clip TM CN 20 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 51-58
"Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống".
Chúa Giêsu đã thực hiện sứ mạng cứu rỗi của Ngài qua việc rao giảng, qua việc làm, cuộc sống và nhất là qua cái chết trên thập giá. Ngài đã biểu lộ lòng yêu thương tha thứ của Ngài qua cái chết thập giá “Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người về với Ta “. Lời của Chúa Giêsu đã được thực hiện nơi cái tận cùng của đời Ngài là cái chết vì tình yêu, cái chết hy sinh, khước từ lợi lộc: ”Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Chúa chết, Ngài đã để lại cho nhân loại thịt và máu của Người: đó là Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích huyền diệu mang lại sự sống mới, sự sống đời đời cho nhân loại, cho mỗi người. Ăn thịt và uống máu của Chúa theo thánh Gioan ở đây là hòa nhập vào Chúa, tin và hiểu Ngài như Ngài muốn nhân loại hiểu về Ngài là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để lôi kéo mọi người về cùng Cha. Cha Tad W.Guzie, S.J. đã viết: ”Trên thập giá, một con người đã chết để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11, 52).
Trong Bí Tích Thánh Thể, có bánh được bẻ ra, và chén rượu được chia sẻ. Bánh làm cho tất cả những hạt lúa rải rác khắp nương đồng nên một, bánh nói về một thân thể được trao ban vì sự sống thế gian. Rượu được làm từ những trái nho hái từ các cành của cây nho, Ngài là cây nho, còn chúng ta là cành. Ai tuyên xưng sự chết của Chúa Giêsu bằng cách ăn bánh và chia sẻ chén ấy đều dấn thân hoạt động cho sự hiệp nhất, cho việc làm nên một thân mình duy nhất “. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình làm bánh, làm của ăn nuôi sống nhân loại, củng cố đức tin của người Kitô hữu qua Bí Tích Thánh Thể hằng ngày trên khắp thế giới. Nhân loại và người Kitô hữu được mời gọi chịu lấy mình và máu Chúa Kitô. Chịu lễ đích thực là nhận lấy chính Chúa, hòa nhập vào đời sống của Ngài, noi theo bắt chươc cuộc đời của Chúa và tìm hiểu Lời Chúa bằng cách thực thi những điều Chúa đã làm, đã sống, đã kinh qua trần gian này để mang lại tình thương và hạnh phúc cho loài người. Sống như vậy, hay nói một cách khác, chịu lấy Mình và Máu của Chúa là sống chíng cuộc sống của Ngài, sống nhờ Ngài và qua Ngài, con người có sự sống đời đời. Chịu lấy Mình và Máu Chúa Kitô là ta “đâm rễ sâu vào Mầu Nhiệm Ba Ngôi, xây dựng trên tình yêu Ba Ngôi, mang lại sự sống Ba Ngôi, biểu lộ tình yêu Ba Ngôi, và cuối cùng đưa ta vào quỹ đạo tình yêu Ba Ngôi”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến Mình và Máu của Chúa. Amen.


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Clip Tin Mừng: CN 19 TN năm B

Phúc Âm:  Ga 6, 41-51
"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".

Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu độ nhân loại: Ngài là Bánh hằng sống vì Ngài là Đấng ban sự sống (Ga 6, 48-50 ).

Chúa Giêsu cho nhân loại sự sống từ trời vì Ngài đã từ trời xuống trần gian.
Chúa Giêsu ban cho nhân loại sự sống đời đời vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống.
Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống vĩnh cửu vì Ngài dẫn nhân loại đến cùng Thiên Chúa Cha.

Lời loan báo, xác nhận: ”Tôi là bánh trường sinh” của Chúa Giêsu nói lên một sự thật quan trọng và là trung tâm đức tin của người Kitô hữu: “con người không những là phải tin nhận mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời” (Ga 6, 54).

Khi Chúa Giêsu nói lên điều đó, Ngài không có ý nói: con người chỉ nôm na đi lễ, dự dễ và chịu lễ thế là đủ. Tiệc Thánh Thể là Bí Tích tình yêu, Bí Tích của lòng tin. Bánh cũng có nghĩa là Lời của Chúaănlắng nghe Lời Chúa.

Thánh Lễ hằng ngày nhân loại tham dự luôn gồm hai phần, phần Lời Chúa và phần Thánh Thể. Lời của Chúa cũng như Bánh và Rượu cần phải được chia sẻ như Thịt và Máu của Chúa.

Chịu lấy Bánh trường sinh là đi trọn con đường tình yêu của Chúa, con đường đức tin, con đường thập giá để đạt tới vinh quang Nước Trời. Đi con đường của Chúa là nhận lấy sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho tha nhân, cho muôn người như lời Chúa nói: ”...Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”( Mt 28, 19 ).

Trong cuộc hành trình đức tin, dân Chúa không chỉ có lương thực hàng ngày như manna, như cơm áo gạo tiền, nhưng dân Chúa còn cần tới chính Chúa Giêsu, Đấng dẫn đưa dân Ngài vào quan hệ thân mật với Thiên Chúa Cha. Chúa và Giáo Hội mời gọi con người vươn cao hơn để tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa và đó là sự sống vĩnh cửu con người đang được mời gọi đạt tới.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT