Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Clip TM CN 1 Mùa Vọng năm C

Ngày 29 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Lc 21, 25-28, 34-36
"Giờ cứu rỗi các con đã gần đến".

Bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay cho thấy viễn tượng của bức tranh cánh chung, nghĩa là hình ảnh ngày Chúa lại đến.

Đọc toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng thứ 4 của thánh Gioan, chúng ta không hề thấy Chúa loan báo lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa sẽ đến. Chúa không vén lộ bí mật ấy và con người cũng không hề giải được mật mã của Chúa. Chúa chỉ nói đến những điềm báo thời cánh chung như mặt trời, mặt trăng, tinh tú dời đổi, những thay đổi trên trời, những biến động dưới đất: bão lụt, núi lửa, chiến tranh, thiên tai, ôn dịch v.v… Đó là những điềm báo khiến con người phải thức tỉnh và rút ra những bài học cho cuộc đời.

Mùa Vọng nhắc nhở nhân loại, nhắc nhớ mỗi người chúng ta về việc Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử cứu độ, và chuẩn bị cho con người đón chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang, trong uy quyền, ngày đó Chúa Giêsu không nói rõ lúc nào, Ngài chỉ nói nó đến thật bất ngờ như kẻ trộm đến vào giờ con người không ngờ, không hay biết, như sự chết đến một cách thình lình như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21, 35). Chúa đã đến để kêu gọi con người về với Ngài thật bất ngờ và hết sức thình lình.

Chính vì thế, Chúa mời gọi con người: “… Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…”(Lc 21, 34). Chúa nói con người: “Phải tỉnh thức và cầu nguyện”(Lc 21, 36). Tỉnh thức để nhận ra Chúa đến với mỗi người trong ngày cùng tận của mỗi người, vì Chúa đến một cách rất bất ngờ. Mỗi người cần cầu nguyện luôn để sẵn sàng ra trước mặt Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con mỗi người luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện để chúng con sẵn sàng ra đón Chúa như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang theo dầu. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Clip TM CN 34 TN năm B

Ngày 22 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37
"Quan nói đúng: Tôi là Vua".

Đọc Tin Mừng chúng ta nhận thấy có một số tước hiệu Chúa Giêsu tự nhận cho mình như mục tử, tôi tớ, thầy, Chúa, Con người. Những tước hiệu này như nối kết với chính bản thân của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, với danh xưng “Vua”, Chúa Giêsu nhận trước vài giờ Ngài lãnh án tử hình và chịu đóng đinh trên thập giá, và vì thế danh xưng này mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

Dưới con mắt và trong suy nghĩ của dân Do Thái và Philatô, danh xưng Vua mang ý nghĩa chính trị bao gồm bộ máy nhà nước, với nội các và quân đội để bảo vệ chủ quyền và an ninh của vương quốc ấy.

Theo ngôn ngữ của Thánh sử Gioan thì Nước Thiên Chúa không thuộc địa giới mà là Thiên giới, không thuộc xác thịt mà thuộc Thần khí. Chính vì thế, Chúa Giêsu không có gì để đối kháng với đế quốc Roma, hay sợ lấn quyền hành của Philatô hay của các vị lãnh đạo thế trần lúc đó.

Theo quan niệm của Chúa Giêsu, “Vua” có nghĩa là làm chứng nhân cho chân lý. Vương quốc của Chúa Giêsu đã được Ngài thiết lập ngay trong cuộc khổ hình, chịu chết của Ngài trên thập giá: “ ... Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.” Ngay trên thập giá, Chúa Giêsu mới chứng tỏ thật sự Ngài là Vua. Chúa Giêsu là Vua khiêm nhượng, nhân hậu, Vua phục vụ khi cưỡi trên mình lừa vào thành Giêrusalem ... Một vị vua hy sinh tự hiến, khước từ mọi thứ vinh quang trần thế.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người có lòng tin luôn ý thức rằng Nước Chúa không thuộc thế gian này, nhưng Dân Chúa lại ở trong thế gian. Xin cho chúng con biết trở thành chứng nhân sống động cho Nước Chúa giữa muôn người.

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Clip TM CN 33 TN năm B

Ngày 15 tháng 11 năm 2015
PHÚC ÂM: Mc 13, 24-32
"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".

Cứ gần hết chu kỳ phụng vụ, Hội Thánh lại hướng nhân loại và những Kitô hữu nhìn về tương lai, về ngày cùng tận của lịch sử Cứu rỗi, ngày Cánh chung, đồng thời cũng là ngay quang lâm của Chúa Kitô.
Với đoạn Tin Mừng của Thánh Marcô, người Kitô hữu được làm quen với lối văn Khải Huyền, là lối văn quen thuộc của những người đương thời với Chúa Giêsu, hơn là người tín hữu đang sống trong thế giới ngày nay. Do đó, chúng ta không được phép hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen, với nội dung diễn tả những thứ tưởng sẽ tồn tại vĩnh viễn thì cũng có ngày bị tan tành, không còn hiện diện nữa. Thay vào đó, ý tưởng của đoạn Tin Mừng này gợi lên: Thế giới cũ, thế giới tội lỗi sẽ bị tiêu diệt; một thế giới mới sẽ xuất hiện nhưng không ai biết lúc nào, bao giờ những sự việc ấy sẽ xẩy ra cho nhân loại.
Hình ảnh cây vả đâm chồi nẩy lộc tiên báo sức sống mới. Cây vả lá rụng hết trước mùa hè và lá non đâm chồi nẩy lộc xanh tươi báo trước mùa hè tới. Ngày cùng tận sẽ không chỉ là ngày tai họa được giáng xuống nhưng ngày đó còn là ngày hy vọng… Cũng như cây vả đâm chồi, nẩy lộc xanh tốt tiên báo mùa hè tới… thì những tai ương như bão táp, động đất, đói kém, chiến tranh cũng loan báo: ”Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13, 29).

Sứ điệp mà các bài đọc của Chúa nhật 33 nhắm tới: “Mọi người Kitô hữu có quyền hy vọng khi họ tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, khi họ đọc Kinh Tin Kính và tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” hoặc lời tung hô sau truyền phép: “Tôi tuyên xưng Chúa đã chết đi, tôi tuyên xưng Người đã sống lại và tuyên xưng Chúa lại đến trong vinh quang”. Những lời tuyên xưng ấy giúp người Kitô hữu tin tưởng và hy vọng. Tin tưởng và hy vọng vì mình cũng được phục sinh với Chúa, được sống lại vì sự chết đối với người Kitô hữu chỉ thay đổi chứ không mất đi và hệ luận là người Kitô hữu luôn luôn hy vọng: “Không sợ đau khổ, không sợ chết” vì niềm hy vọng của họ có bảo đảm là sự sống mới của Đấng Phục Sinh. Do đó, người Kitô hữu luôn hiên ngang hướng tới ngày quang lâm vinh hiển của Chúa… Ngài sẽ đến đưa con người vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài trong Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn biết sẵn sàng đón chờ ngày quang lâm vinh hiển của Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Clip TM CN 32 TN năm B

Ngày 08 tháng 11 năm 2015

PHÚC ÂM: Mc 12, 41-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Câu chuyện người đàn bà góa nghèo nàn đoạn Tin Mừng của thánh Marcô thuật lại hôm nay, gây nhiều ấn tượng cho con người, cho nhiều người. Bởi vì, đồng xu nhỏ bà góa bỏ vào hòm tiền trong nhà thờ là tất cả sản nghiệp của bà. Đây là số tiền bà dành dụm để nuôi sống chính bản thân của bà. Chúa nhật 32 thường niên, năm B muốn nói gì với tất cả chúng ta ?

Chúng ta không thể đánh giá chính xác lòng người khác nhưng chính từ câu chuyện Tin Mừng của thánh Márcô 12, 38-44, chúng ta nghiệm ra rằng trần gian này thật có những người nghèo tiền, nghèo của cải nhưng lại giầu lòng hảo tâm, giầu tình thương. Và như thế, của dâng hiến quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng dâng hiến, và thái độ trao tặng. Trên thế gian này, có những người cho rất nhiều, dâng hiến bao la nhưng chưa đụng tới chút nào gia sản của họ, chỉ là của dư của thừa vv… Còn nắm bột, chút dầu, đồng xu nhỏ nhoi của hai bà góa lại là “ tất cả những gì mình có để nuôi sống “ ( Mc 12, 44 ).

Chúa dạy một bài học thật lớn, thật ý nghĩa. Làm việc, dâng cúng, trao tặng mà không có tấm lòng, dâng cúng nhiều để khoe khoang, để ghi sổ vàng nhưng tấm lòng lại khô cứng, của cải thì chưa đụng tới cả cái sản nghiệp to lớn, dâng cúng, trao tặng mới như như hạt cát. Chúa không tán dương những hạng người này. Người nghèo thật nhiều đang ở chung quanh chúng ta. Người đau khổ, bơ vơ vất vưởng đang ở xung quanh chúng ta. Liệu có ai biết ghi ơn họ khi họ dâng cúng, trao tặng những món tiền nhỏ nhoi, nhưng là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Chúng ta cần có những suy nghĩ thật đứng đắn, thật công bằng. Lẽ dĩ nhiên giầu mà có tấm lòng vàng thì thật đáng khen ngợi. Giầu mà có tinh thần nghèo khó thì cũng đáng tán dương biết bao. Giầu nghèo là điều thường tình trong cuộc đời, nhưng sống có nghĩa có tình, có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả như hai bà góa, như nhiều người trong đời sống chúng ta đã gặp. Đó là điều Chúa muốn và Chúa mời gọi…
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Clip TM CN 31 TN năm B

Ngày 01 tháng 11 năm 2015
Chúa nhật Lễ Các Thánh Nam Nữ

Phúc Âm Mt 5, 1-12
"Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao"

Tháng 11 là tháng cuối cùng trong Niên Lịch Phụng Vụ, tượng trưng cho cuối đời của con người. Vì thế, Giáo Hội dành tháng 11 để hướng tâm trí chúng ta về đời sau và tưởng nhớ đến những vị đã qua đời. “Sinh Ký Tử Quy!”, “Sống Gởi Thác Về!” “Về với Chúa là Cha chúng ta nơi quê hương thật Nước Trời”.
Trong số các vị đã qua đời, có những vị đã được thưởng công trên Nước Chúa, được hưởng hào quang Thiên Quốc, và là các Thánh mà Giáo Hội kính chung vào ngày 1/11 hàng năm. Có những vị còn đang trong Luyện Ngục để đền tội và được thanh luyện để trở nên thánh thiện xứng đáng được hưởng Thánh Nhan Chúa, là Đấng hoàn toàn thánh thiện. Giáo Hội cầu nguyện chung cho các vị đó vào ngày 02/11 (Lễ Các Linh Hồn) và suốt tháng 11 (Tháng Các Linh Hồn), dù chúng ta vẫn nhớ cầu cho các linh hốn ấy trong kinh, lễ hàng ngày.

Theo Bài Phúc Âm (Matthêu 5: 1-12) nói về ‘Tám Mối Phúc Thật’, thì các Thánh là những vị đã có tinh thần khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nhục trong đau khổ, luôn sống công chính, có lòng thương yêu giúp đỡ mọi người, sống đời sống thanh khiết trong bậc tu trì hay đời sống gia đình. Các Ngài luôn sống hòa hợp với mọi người để xây dựng hòa bình. Các Ngài cũng là những vị đã sẵn sàng hiến mạng sống mình để làm chứng cho công bằng xã hội, cho đức tin nơi Chúa. Các Ngài đã sống xứng đáng là con cái của Thiên Chúa là Cha. Các Ngài đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa, và luôn lo thánh hóa bản thân để nên giống Chúa là Đấng Cực Thánh (Bài Đọc II: 1 Gioan 3: 1-8).

Việc đọc và suy gẫm đời sống các Thánh cũng giúp chúng ta cải thiện đời sống, như Thánh Ignatius Loyola (1491-1556), vị sáng lập Dòng Tên, trong thời gian bị đau ốm, đã đọc sách “Hạnh Các Thánh” và nhờ đó mà nhìn ra được con đường các Thánh đã đi, rồi Ngài “quyết tâm trở về”, quyết tâm sửa đổi đời sống, dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ Chúa và Giáo Hội.

Trong tinh thần kính nhớ các vị đã qua đời, trong Tháng 11 này, chúng ta hãy dâng nhiều Thánh Lễ, dâng các hy sinh, hãm mình, các kinh nguyện, nhất là lần chuỗi Mân Côi, viếng nghĩa trang để cầu cho các Linh Hồn nơi luyện tội được sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa là Cha chúng ta, cùng với Mẹ Maria và các Thánh. Cũng xin tiếp tục dâng những hy sinh, hãm mình và cầu nguyện nhiều cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục trong “Năm Thánh Linh Mục” này.
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương