Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Sám Hối Khơi Nguồn Hy Vọng (1)

                                                                                                             Đaminh Đinh Viết Tiên OP

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh. Đây là thời gian mà thánh Phaolô gọi là thời gian thuận tiện, ngày cứu độ (xc. 2Cr 6,2b). Mùa chay là thời gian thuận lợi để chúng ta rà xét lại con người của chúng ta để biết chúng ta đang như thế nào, có đi đúng con đường Chúa đã chỉ cho không, mà nếu chúng ta đã đi lệch khỏi con đường Chúa chỉ dạy thì phải ăn năn sám hối trở về con đường lành. Sám hối là trở về với Chúa.
I. PHÀI SÁM HỐI NHƯ THẾ NÀO ?
1.1. Tâm tình khiêm tốn
Sám hối là chủ đề những bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của Người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)Thực vậy, sám hối cũng là chủ đề những bài giảng đầu tiên của các thánh Tông Đồ, như sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại: “Thánh Phêrô bảo họ:“Hãy hối cải, và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi .”(Cv 2:38).
Và như vậy, tâm tình sám hối phải là tâm tình căn bản và thường xuyên của mỗi chúng ta. Điều trước tiên chúng ta phải làm là hãy nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình. Không bào chữa, không đòi hỏi, không tự mãn huênh hoang. Đồng thời chúng ta còn phải nhìn nhận chúng ta không có khả năng để tự cứu độ mình khỏi tình trạng yêu đối và tội lỗi mà phải cần đến quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Sự kiện để suy nghĩ
Vào buổi tối nọ, có người đàn bà phải chờ đợi chuyến bay mất nhiều thời giờ tại một phi trường Hoa Kỳ.
Bà rảo qua các sạp báo trong phi trường, mua một cuốn sách và một gói bánh, rồi tìm chỗ yên tĩnh ngồi đọc sách.
Tuy cắm cúi đọc sách, người đàn bà cũng nhận ra người đàn ông đang ngồi bên cạnh, ngoài cái đầu hói ra chẳng có gì gây sự chú ý. Tuy nhiên, có một điều khiến bà khó chịu, là chốc chốc người đàn ông lại đưa tay vào gói bánh và kéo ra một hai cái. Tuy khó chịu thật, nhưng bà cố tình làm như không biết để tránh người đàn ông khỏi ngượng. Bà cố gắng quên sự hiện diện của người đàn ông không mấy biết điều ấy.
Thỉnh thoảng, bà đưa tay vào gói bánh lấy ra một hai cái, và người đàn ông cũng làm theo. Cuối cùng, gói bánh chỉ còn vỏn vẹn một cái, bà chờ xem người đàn ông mất dạy này sẽ làm gì. Người đàn ông liền mỉm cười và lấy chiếc bánh cuối cùng bẻ ra làm hai và trao cho bà một nửa, nửa kia ông cho vào miệng. Người đàn bà nghĩ đây quả là người vô liêm sỉ, đã không biết xấu hổ thì chớ lại cũng chẳng nói một lời cảm ơn.
Bà thở ra nhẹ nhõm khi chuyến bay được loan báo. Bà thu dọn hành lý và đi về phía cổng lên máy bay, cũng chẳng buồn chào người đàn ông bên cạnh.
Sau khi thắt dây an toàn người đàn bà mới bắt đầu kiểm tra lại hành lý, cuốn sách bà mua vẫn còn nguyên vẹn trong xách tay, bên cạnh cuốn sách là gói bánh vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, cuốn sách bà đã đọc khi chờ máy bay là của người đàn ông, và gói bánh bà dùng cũng là của ông ta. Quá trễ để quay lại xin lỗi, bà thở ra tự nhận rằng : Kẻ ăn cắp bánh, người vô liêm sỉ chính là bà.
Sở dĩ con người không có thái độ khoan nhượng và cảm thông với người khác là vì họ không biết nhìn vào bản thân. Có lục soát lại hành lý, nghĩa là có nhìn lại chính mình, người đàn bà trong câu chuyện trên đây mới nhận ra lỗi lầm của mình, và thay đổi cái nhìn về người đàn ông.
Một trong những sứ điệp nền tảng của Kitô giáo chứa đựng trong lời kêu gọi của Chúa Giêsu:”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin. Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, con người mới nhận được ơn cứu rỗi và tình thương của Chúa. Có biết mình hay vấp ngã, con người mới dễcảm thông với anh em. Như vậy, mến Chúa yêu người chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi.
Lòng sám hối càng sâu sắc, và tinh thần khiêm tốn càng cao độ, thì lòng mến đối với Thiên Chúa mới chân thành và tình yêu đối với tha nhân mới thiết thực, viên đá kiên cố nhất trong toà nhà là viên đá đặt thấp dưới chân nền. Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ của những người biệt phái. Họ có tất cả mọi nhân đức, nhưng chính vì thiếu lòng khiêm nhường sám hối mà toà nhà đạo đức của họ không có nền tảng. Tình yêu của họ đối với Chúa là giả tạo và họ không hề biết thế nào là cảm thông, tha thứ và yêu thương.
Người tín hữu Kitô được mời gọi nhìn lại bản thân hằng ngày, nhất là trong thánh lễ, để từ đó, mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu Chúa, và cảm thông tha thứ cho anh em.
Lạy Chúa, xin ban cho con đủ khiêm tốn để nhận ra lỗi lầm của con và chân thành sám hối.
Xin thêm đức tin cho con, để mỗi khi ý thức về sự yếu hèn của mình, con càng vững tin vào tình yêu bao la của Chúa và cảm thông tha thứ cho anh chị em mình.
1.2. Hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa
Sám hối không chỉ có nghĩa là ý thức về tội lỗi và lo buồn vì đã phạm tội. Lo buồn vì đã phạm tội chỉ là một khía cạnh của sự sám hối mà thôi, và tất nhiên không thể là khía cạnh quan trọng nhất. Như chúng ta cũng đã biết, từ Sám hối trong tiếng Hy Lạp là Metanoia, mà chúng ta đã nghe rất quen, một từ được dùng để diễn đạt một tình trạng tâm hồn và tâm trí thay đổi hoàn toàn, xoay lòng trí khỏi tính ích kỷ để quy hướng về Thiên Chúa và yêu mến Người. Do vậy, công thức diễn tả sự sám hối tuyệt vời nhất chính là giới răn Chúa Giêsu đã nhắc đến, “Hãy yêu mến Thiên Chúa, Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn ngươi và yêu thương người thân cận như chính mình.” (Lc 10:27).
Chúng ta có thể khóc lóc thảm thiết vì tội lỗi của mình và thưa với Thiên Chúa rằng: con hết sức lo buồn và van xin Người tha thứ. Nhưng nguyên việc ấy chưa đem lại cho chúng ta ơn sám hối. Chúng ta còn phải khao khát yêu mến Thiên Chúa. Vì rất có thể xưa nay chúng ta sám hối theo thói quen hoặc theo luật dậy và chúng ta đã làm được rất nhiều việc tốt, từ việc khổ chế đến việc phải vất vả vì Tin Mừng, nhưng lại thiếu lòng mến. Nên việc sám hối của chúng ta chưa diễn ra theo đúng ý Thiên Chúa.
Sự kiện để suy nghĩ
Mahatma Gandhi có kể về cuộc đời ông như sau: Hồi tôi 15 tuổi, tôi mắc một tật rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để bán lấy số tiền trả nợ.
Nhưng sau đó, tôi luôn luôn bị lương tâm cắn rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi không thể sống trong tình trạng này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội với ba tôi càng sớm càng tốt. Nhưng khi đến trước người, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền nghĩ ra một cách thú tội bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó đến trước mặt cha tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi của tôi, sau đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh, rồi nói với tôi: ”Biết mình là điều rất tốt”, và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng tay tràn đầy yêu thương, tha thứ của người. Từ giây phút đó tôi hiểu và thương mến cha tôi hơn.
Trên trời vui mừng vì một kẻ tội lỗi ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính (xc. Lc 15). Thật là điên dại và nghịch lý. Ai có thể thấu hiểu nổi sự điên dại và nghịch lý này ? Chính sự điên dại này đã thúc ép Giáo Hội, vào đêm vọng Phục Sinh, đã long trọng công bố: tội Ađam là một tội cần thiết, là tội hồng phúc, bởi vì nó mà Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta. Có lẽ, Giáo Hội đã dựa vào tư tưỡng của thánh Phaolô Tông đồ trong thư gửi giáo đoàn Rôma. “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, thì ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 6:1).
Chúng ta cũng nghe được trong từng trang Kinh Thánh: Sau một lần vấp ngã là một lần chỗi dậy và bắt đầu lại, và xem chừng thất bại càng nặng nề thì thành công lại càng nhiều hơn.
Một Giuse bị bán sang Ai Cập, để rồi trở thành tể tướng, và nhờ đó cứu thoát được cả gia đình. Một Đavít phạm tội ngoại tình, để rồi trở thành đại vương thánh thiện.
Sứ điệp của niềm hy vọng lại càng rõ nét hơn qua cách cư xử và giáo huấn của Chúa Giêsu.
Từ Lêvi thu thuế, Mađalêna cô gái điếm, đến Phêrô kẻ chối Thầy, không có người nào gặp gỡ Chúa Giêsu mà không ra về với một niềm hy vọng tràn trề, không một cuộc ra về nào mà không có những khởi đầu cho một cuộc đổi mới. Nhưng có ý nghĩa hơn cả đó là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và người trộm lành. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố:”Ngay hôm nay, ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta” (Lv 23,43). Một giây phút ngắn ngủi đủ làm lại cuộc đời để trở thành vị thánh. Không có gì là vĩnh viễn mất mát, cũng không bao giờ quá muộn để bắt đầu làm lại.
Tin vào Chúa Giêsu là luôn biết nhìn vào mọi biến cố, lúc may mắn thịnh vượng cũng như khi gặp rủi ro thất bại, đều là hồng ân Chúa ban. Tin vào Chúa Giêsu là chấp nhận để Ngài thực hiện những phép lạ đổi mới trong cuộc đời ta.
Lạy Chúa, trong tình thương bao la của Ngài, không một sự bội phản, vấp ngã nào mà không được tha thứ. Xin cho con đừng bao giờ thất vọng đối với bản thân, thất vọng đối với tha nhân, và đối với tình yêu của Chúa.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Chúa đang gọi bạn

Tôi muốn chào đón các em học sinh mẫu giáo từ các lớp giáo lý, các thầy cô và phụ huynh của các em. Tôi muốn nói với các học sinh, và các em cần để ý lắng nghe bởi vì tôi sẽ có những câu hỏi để hỏi các em.

Pháp Luật và Lương Tâm

Nhiều lần khi tôi bật truyền hình lên để xem tin tức hoặc là lúc tôi đọc báo, một ý tưởng hiện ra, “Cái gì đang làm cho thế giới không ổn? Dường như là mỗi ngày một trở nên tệ hơn.” Có đủ thứ tội phạm – qúi vị biết là tôi đang nói về cái gì - đủ loại sa đọa, không phải chỉ ở Mỹ, nhưng mà là mọi nơi trên thế giới: giết người, chiến tranh, người ta giết hại nhau chỉ vì mầu da hay vì họ không thuộc về cùng một bộ lạc, hoặc họ không cùng một niềm tin tôn giáo.


Trong đất nước này chúng ta thấy luân lý đang đi xuống. Dường như người ta đã đè bẹp lương tâm của họ. Họ không muốn biết cái gì đúng cái gì sai; người ta chỉ muốn làm cái họ thích. Nếu lương tâm bắt đầu cắn rứt họ về một điều nào đó, họ muốn làm một luật khác thay đổi cái luật đó đi.

Ai cũng biết phá thai là tội lỗi, là một tội ác, nhưng Tối Cao Pháp Viện phán quyết cho phép phá thai, và làm việc phá thai là hợp pháp. Bởi đó “lương tâm của tôi không cắn rứt nữa. “Nó hợp pháp mà!” Ai cũng biết là hôn nhân đồng phái tính là xấu và vô luân, nhưng nếu tòa án nói là được, thì được. “Lương tâm của tôi không cần phải cắn rứt nữa.” Chúng ta đang sống trong thời đại buông thả và chính phú nói, “cái đó không phải là hình ảnh khiêu dâm, nó có thể được chiếu trên truyền hình,” thì nó thành hợp pháp, và được chấp nhận. Nhiều người cảm thấy là nếu chúng ta hợp pháp hóa tất cả mọi cái xấu trên thế gian này thì chúng sẽ được chấp nhận là đúng. “Nó không còn làm cho lương tâm tôi bị cắn cứt nữa.”

Lệch Lạc Lương Tâm

Thiên Chúa làm sáng tỏ và Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng bất cứ luật dân sự nào đi ngược lại với luật của Thiên Chúa thì không buộc phải tuân hành. Chỉ nguyên là hợp pháp không có nghĩa là nó có thể bỏ qua luật của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn phải duy trì Thiên Luật cho dù dân luật có cho phép; nhưng như thế sẽ làm phiền lương tâm của một số người. Bởi thế họ tẩy chay tôn giáo. Nếu họ tẩy chay tôn giáo, thì sẽ không còn ai chung quanh để lên tiếng nói cho chúng ta biết cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt cái gì xấu. Loại bỏ giáo dục đạo đức tôn giáo ra khỏi trường học bởi vì nó đối nghịch với luật pháp. Lý do chúng ta có những lớp giáo lý tại giáo xứ Thánh Micae là để con em của chúng ta có được sự giáo dục tôn giáo, cho dù các em không là học sinh trường Công Giáo của nhà thờ.

Qúi vị nghe những cách nói ngày nay như, “cái đó thuộc về tôn giáo khuynh hữu qúa khích, do đó nó không đúng.” “Tôn giáo khuynh hữu qúa mức” chỉ đơn giản nỗ lực công bố lề luật của Thiên Chúa, làm sáng tỏ cái gì đúng luân lý cái gì trái luân lý. Nhưng người ta đè bẹp đi bởi vì nó cắn rứt lương tâm họ. Lương tâm của tôi nói là hành động này hoàn toàn đúng.” Thật là điều ngỡ ngàng đối với tôi khi thấy nhiều cặp trẻ đến để chuẩn bị hôn nhân đã chung sống với nhau hai, ba, bốn, năm năm. Tôi nói, “Các bạn biết điều đó là sai.” Họ trả lời, “Chúng con đâu có biết đó là sai.” Họ đã đè bẹp lương tâm của họ. Ngày nay cái gì hợp pháp thì cái đó cũng đúng luân lý. Các bạn và tôi biết nó không đúng là như thế.

Khi nghe bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ hôm nay từ sách Jonah, đó là một dụ ngôn hơn là một biến cố lịch sử; tôi suy nghĩ, “Tại sao Thiên Chúa không sai một người nào đó giống như Jonah đến nước Mỹ và nói với dân chúng “hãy cải sửa các hành vi của họ và làm cho ngay thẳng lại. Hãy loại bỏ tất cả các sự xấu xa trên thế giới và sửa đổi lại.” Thiên Chúa không làm như thế. Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, đến sống ở trần gian, chịu đóng đinh, chết ở trần gian, và mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Khi Ngài còn ở trần gian, ngài đã làm sáng tỏ, như trong bài Tin Mừng hôm nay, “Đây là con đường cứu rỗi.” Chúa Giêsu công bố Tin Mừng. “Đây là thời viên mãn, nước Thiên Chúa đến gần. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng.” Đó là bản tin cho chúng ta. Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy ăn năn thống hối và sửa mình! Nếu các bạn không làm như thế thì sẽ không thuộc thành phần trong nước của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với chúng ta, đúng, chúng ta có Đấng Cứu Thế Đấng đã đến trần gian để dạy chúng ta cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt cái gì xấu, dạy chúng ta cái gì cần cho ơn cứu rỗi của chúng ta.

Nhưng chúng ta thấy có những người Công Giáo không muốn tin như vậy. Có những nhóm bất đồng ở trong Giáo Hội mà lương tâm của họ đang ray rứt họ  về vài sự lạc giáo mà họ đang ấp ủ, hay vài vấn đề đòi họ sửa mình thì họ lại bất đồng với giáo hội; thay vì sửa mình thì họ lại nỗ lực tranh đấu để giáo hội sửa đổi giáo huấn của Giáo Hội.  Họ  cho là  “Giáo Hội không hiểu!” Nếu họ có thể làm cho Giáo Hội sửa đổi giáo huấn, thì lương tâm của họ không còn ray rứt họ nữa và họ sẽ cảm thấy thoải mái. Đó là đường lối sai lầm, và các bạn biết là như vậy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người, có thể là một số người đang ngồi ở đây có chủ trương là , “Thời thế đã thay đổi. Ngày nay phải theo luật mới, luân lý mới. Do đó bao lâu có những luật mới này thì bấy lâu lương tâm tôi sẽ không ray rứt nữa.” Họ muốn Giáo Hội thích nghi theo lối sống của họ thay vì họ phải thích nghi theo các giáo huấn của Giáo Hội.

Hoán Cải Sửa Mình

Chúng ta biết Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và mỗi người chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi riêng để sống đời sống viên mãn và tràn đầy ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã không sai một đoàn các tiên ti đi vào thế giới, ngài mời gọi bạn, bạn và bạn, mỗi người riêng biệt. Ngài mời gọi bạn sửa mình, ăn năn hối cải, đón nhận Nước Thiên Chúa trong đời sống của mình, giống như ngài đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay với Phêrô, Giacôbê, Gioan và Andrê. Ngài đã kêu gọi họ, “Ngươi đến, ngươi đến và ta sẽ làm cho các người trở nên kẻ chài lưới người. Ta sẽ làm cho các ngươi trở nên cá khí cụ bình an của Thiên Chúa trong thế giới.” Trừ khi bạn, bạn và tôi làm như thế, bằng không thì chúng ta sẽ không hoán cải thế giới được, chúng ta sẽ không thể hoán cải xã hội được. Nếu chúng ta không thay đổi, xã hội sẽ không thay đổi. Chúng ta được kêu gọi sống đời sống viên mãn của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng kêu gọi đó.

Thánh Phaolô nói rằng những cái thuộc về thế gian này chẳng là gì cả. Thế giới mà chúng ta đang thấy sẽ qua đi. Như vậy có nghĩa là gì nếu bạn có rất là nhiều tiền nhiều của, nhiều thú vui và bất cứ cái gì khác? Tất cả đều qua đi. Và bạn sẽ còn lại chỉ có một cái, ơn thánh của Chúa cho ơn cứu độ đời đời. Tôi muốn đề nghị với riêng từng người là hãy sửa đổi đời sống. Nếu các bạn đang sống theo lối sống thế gian, suy nghĩ những tư tưởng lạc giáo, chấp nhận những thực hành vô luân lý, ít nhất là trong trí khôn, thì hãy thay đổi, hoán cải, để nhờ đó các bạn có thể là dụng cụ cho ơn thánh của Chúa trong đời sống của chính mình, cho gia đình mình, cho những người liên hệ quen thân, và bạn có thể đem sự hoán cải vào thế giới.” Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.  

Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Chiếc Gương và Cửa Sổ

Có một phú ông tên Hạo Tường luôn cảm thấy trong cuộc sống của mình thiếu thốn một cái gì đó, nên ông quyết định lên đường tìm Thiền sư để tham hỏi.

Khi gặp Thiền sư: “Thưa ngài! Tôi có rất nhiều tiền, muốn thứ gì thì có thứ đó nhưng lại không cảm thấy vui và hạnh phúc được”. Vị thiền sư mời ông ta đứng trước một cửa sổ được làm bằng kính và hỏi ông thấy được những gì qua ô cửa kính đó. “Dạ, con thấy những đoàn người tất bật, hối hả qua lại trên những con đường, có khi bằng phẳng, có khi gập gềnh, khúc khủyu nữa

Thiền sư chẳng nói gì và mời ông ta đứng trước một chiếc gương soi, hỏi ông thấy gì qua chiếc gương đó. “Con thấy chính mình…”
Thiền sư ôn tồn nói: “Chiếc gương được làm bằng kính, cửa sổ cũng được làm bằng kính, nhưng cửa sổ thì trong suốt nên có thể thấy được bên ngoài, có thể nhìn được người, cảnh vật xung quanh ta nhưng chiếc gương thì phủ một lớp sơn phía sau hoặc một tấm gỗ nên chỉ có thể nhìn được mình mà thôi, khi trong con người mình có thể gỡ bỏ đi lớp sơn hay tấm gỗ kia thì lúc đó con sẽ nhìn thấy người khác, lúc con nhìn thấy người khác con sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có”.
Lời bạt: Bạn có là người hạnh phúc không? hay là người luôn bận rộn với cuộc sống hiện đại này? Hoặc ta cảm nhận cuộc sống mình mỗi ngày một vui hơn? Mỗi ngày chúng ta chạy danh cầu lợi. Ở đâu đó, chúng ta đã có một góc của sự bình yên và hạnh phúc nhưng chưa bao giờ thay đổi góc độ nhìn để dung nạp, tha thứ cho người khác. Chỉ khi nào ta hiểu được hai chữ "dừng bước". Ta đứng lại để tiếp nhận người khác đang tồn tại, họ hiện hữu trong sự tương quan của ta, ta dừng lại để nhìn, để hiểu và để thương. Khi thương được mọi người ta sẽ thương chính mình.
                                                                  Huệ Thiện  
                                                                   (sưu tầm & chuyển ngữ)

Học sống qua việc pha trà !

Cuộc sống như chuyện pha trà !
               Nấu sôi "cái tôi"
               Bốc hơi điều lo lắng         
          Pha loãng những muộn phiền 
              Thanh lọc những lỗi lầm và,
               Nếm hương vị của hạnh phúc.


Vì sao bút chì có tẩy?


(Hoathuytinh.com)
Có người hỏi: vì sao bút chì có tẩy? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình: phải chăng trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình? Để xóa đi những sai lầm của người khác và của chính bản thân ta! Có lúc chúng ta keo kiệt, không dùng đến cục tẩy đó khiến cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc những dòng gạch và xóa!
 Bất cứ ai cũng có lúc gặp sai lầm, bất cứ ai cũng gây ra những lỗi lầm khắc sâu trong lòng người khác! Có người ghi nhớ để rồi mãi mãi khắc khoải vì vết thương đó! Có người để nó bị thời gian xóa đi, trống trơn phẳng lặng để viết lên những bài viết cuộc đời đặc sắc hơn, ý nghĩa hơn!

Người ta nói rằng cuộc đời là một trang giấy trắng, và chính chúng ta sẽ quyết định viết nó như thế nào! Khi một đứa trẻ mới vào lớp  một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì! Bởi vì sao bạn nhỉ? Vì bàn tay yếu ớt của các bé nhất đính sẽ có lúc viết những nét nguệch ngoặc, sai từ này, sai từ khác! Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để tẩy đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình! Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra là có thể viết lên những bài ca cuộc đời một cách  hoàn chỉnh! Có lúc chúng ta vì vội vã mà đi sai phương hướng dẫn đến những hậu quả khôn lường, có lúc vì chủ quan mà mắc sai lầm không thể sửa chữa! Làm thế nào đây? Ngồi trách móc bản thân và hứng chịu những lời trách móc của người khác? Như vậy có giải quyết được gì không?
Lúc ấy chúng ta cần biết tẩy đi những sai lầm mắc phải và làm lại từ đầu với những bước đi thận trọng hơn! Không ai có thể trưởng thành mà chưa một lầm vấp ngã hay mắc sai lầm!
Mỗi em bé trước khi biết đi cũng trải qua quá trình chập chững với không ít lần vấp ngã! Đừng tự trách bản thân mình quá nhiều bạn ạ! Cũng như đừng trách móc những người khác khiến họ cảm thấy mình kém cỏi mà mất hết niềm tin vào chính bản thân họ! Hãy biết chấp nhận sai lầm như một điều tự nhiên trong cuộc sống để đối mặt với sai lầm và thất bại một cách nhẹ nhàng hơn! Bạn biết đấy, cục tẩy sinh ra để xóa đi những chữ viết chưa được tròn trịa, chưa được chính xác thì chúng ta cũng hãy dùng cục tẩy của mình – sự bao dung và thứ tha để tẩy đi những sai lầm của mình và người khác mắc phải!
Đừng quá khắt khe với người khác, cũng đừng chỉ nhìn vào những sai lầm của họ mà đánh giá con người họ! Bất kỳ ai cũng có lúc mắc phải sai lầm quan trọng là họ biết mình sai để sửa, còn chúng ta đừng chỉ biết nhìn vào những sai lầm đó mà hãy nghĩ đến những gì họ đã cố gắng, đã nỗ lực để làm tốt công việc của mình!

Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI




+ GM. GB Bùi Tuần


1. Người già có cái nhìn của tuổi già. Người đau yếu có cái nhìn của thân phận đau yếu. 

Với hai cái nhìn đó, tôi xác tín cuộc đời cần phải có một ý nghĩa. Ý nghĩa đó, tôi đã nhận ra từ lâu, nhờ đức tin. Nhưng càng về già và càng đau yếu, tôi càng thấy rõ hơn.

Ý nghĩa cuộc đời là mỗi người hãy sống sao cho tốt để, khi chết rồi, được Chúa thưởng hạnh phúc trường sinh.

Như vậy câu hỏi đặt ra sẽ như sau: “Thế nào là sống tốt?”. Tôi hỏi mình tôi. Nhất là tôi cầu xin Chúa cho tôi biết điều đó. Với tất cả tấm lòng khát khao khiêm tốn, tôi cầu xin điều đó nhiều lần. Chúa trả lời tôi, bằng cách đưa trí khôn tôi nhớ lại Chúa phán dạy trong Phúc Âm thánh Luca.

- “Anh em hãy có lòng xót thương, như Cha anh em là Đấng hay thương xót.
- Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
- Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
- Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ.
- Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,36-38).

Lời Chúa trên đây rất đơn giản. Qua lời Chúa dạy, tôi hiểu ý nghĩa cuộc đời là yêu thương. Yêu thương làm nên giá trị cuộc đời. Chúa sẽ căn cứ vào yêu thương của mỗi người, để thưởng công cho họ. Yêu thương, mà Chúa nói, gồm những việc sau đây:

2. Việc thứ nhất của yêu thương là biết xót thương (Lc 6,36).

“Anh em hãy có lòng xót thương, như Cha anh em là Đấng thương xót”. Qua Phúc Âm và qua kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy xót thương của Chúa dành cho tôi là tình yêu nhưng không, vượt quá mọi tình yêu. Tôi là kẻ tội lỗi, thế mà Chúa đã đi tìm tôi. Như người chăn chiên đi tìm con chiên lạc với tất cả tình âu yếm (x. Lc 15,4-7). Như người cha đón người con hoang đàng với mọi cưng chiều đặc biệt (x. Lc 15,11-24).

Không chỉ có thế, Chúa luôn cứu độ tôi. Chúa còn gọi tôi và sai tôi đi. Chúa luôn ở với tôi mọi ngày. Trước tình yêu nhưng không Chúa dành cho tôi, tôi nhận ra bổn phận phải tạ ơn và biết ơn Chúa.

Việc tạ ơn và biết ơn tốt nhất tôi nên làm, là tôi hãy sống xót thương những kẻ khác, như Chúa đã xót thương tôi. Chúa hay nhắc nhủ tôi điều đó, bằng Phúc Âm và cũng bằng thời sự.

Cách đây mấy ngày, đài truyền hình An Giang giới thiệu một mô hình người xót thương. Người đó là một nông dân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Giáo lý của ông đơn giản chỉ là: Xót thương bất cứ ai cần được giúp đỡ. Biết ơn bất cứ ai giúp đỡ mình, dù việc rất nhỏ.

Cụ thể là từ lâu nay, ông làm nhà sửa nhà, cho những đối tượng nghèo. Có năm ông bỏ ra tới 100 triệu. Số nhà mới và nhà sửa mỗi năm không dưới 10 căn. Nghe và thấy gương sáng đó, tôi nhận ra là Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ nơi nhiều người, không phân biệt tôn giáo.

3. Việc thứ hai của yêu thương là đừng xét đoán và đừng lên án (Lc 6,37).

Ở đây, Chúa có ý nói về sự xét đoán và lên án những cá nhân, kẻ này người nọ. Chúa biết việc xét đoán và lên án một người là những việc rất khó. Hơn nữa, những việc đó còn gây nên nhiều hậu quả có thể nguy hiểm về phần rỗi cho chính kẻ chủ động xét đoán và lên án, vì họ sẽ dễ phạm đến công bình bác ái và khiêm tốn. Để cảnh báo, Chúa khuyên: “Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Đừng lên án, để khỏi bị Thiên Chúa lên án”.

Khi áp dụng lời Chúa trên trên đây vào thực tế, tôi nghĩ thế này:

Không xét đoán và lên án, khi không có bổn phận phải xét đoán và lên án.
Không xét đoán và lên án, khi không biết đúng luật phải căn cứ vào mà xét đoán và lên án.
Không xét đoán và lên án, khi không có đủ dữ kiện đầy đủ và chính xác.
Không xét đoán và lên án, khi lòng mình không bình tĩnh, thiếu tinh thần công bình bác ái, bị áp lực bởi những thành kiến và dư luận vô trách nhiệm.

Tôi thấy việc xét đoán và lên án người khác là việc rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, khi bất đắc dĩ phải xét đoán và lên án ai, chúng ta sẽ làm việc đó trong tinh thần kết hợp với trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường.

4. Việc thứ ba của yêu thương là biết tha thứ (Lc 6,37).

Biết tha thứ là một yêu cầu căn bản của bác ái Phúc Âm. Hãy tha thứ như Chúa tha thứ. Có tha thứ cho người khác thì mới được Chúa tha thứ cho mình. Tha thứ cho người khác là điều kiện để được Chúa thứ tha.

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Chúa có ý nói là phải luôn tha thứ. Tôi thấy tha thứ là việc không dễ dàng. Nhưng nhiều người luôn cố gắng. Với ơn Chúa, họ tha thứ thực sự cho tất cả những ai đã làm khổ họ bất cứ cách nào. Đón nhận sự tha thứ của họ hay không, đó là sự tự do của mỗi người.

Khi tha thứ, lòng chúng ta được nhẹ nhàng. Nhất là chúng ta được Chúa tha thứ cho ta. Đặc biệt là khi tha thứ cho người khác, chúng ta cũng xin mọi người tha thứ cho chúng ta.

5. Việc thứ bốn của yêu thương là cho đi (Lc 6,38).

Nếu ai hỏi tôi có gì để cho đi lúc này. Tôi không ngại trả lời rằng: Tôi cho đi chỉ những giọt nhỏ tình yêu và hy sinh, trong cầu nguyện, hiến dâng mình và chia sẻ tâm tư. Thân tôi như hạt lúa gieo vào lòng đất. Tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa. Hồng ân lớn nhất là tôi tuy dầu tội lỗi, nhưng được Chúa tha thứ và yêu thương, được Chúa cho tham gia vào chương trình cứu chuộc của Chúa, được cùng với Chúa phục vụ những người đau khổ, nghèo hèn bé mọn. Tôi rất hạnh phúc vì ơn trọng đại đó. Chia sẻ hạnh phúc đó cũng là cho đi.

Tôi biết tôi cho đi chẳng được bao nhiêu. Khả năng phục vụ của tôi là rất giới hạn. Nhưng, tôi hy vọng Chúa là Cha giàu lòng thương xót sẽ dủ thương chấp nhận của lễ hèn mọn tôi dâng.

6. Nhìn xung quanh, tôi thấy vẫn có những người nêu gương sáng cho tôi về yêu thương, mà Chúa dạy. Qua những gương sáng đó, tôi nhận ra tiềm năng con người Việt Nam hôm nay là rất phong phú. Họ mở ra được nhiều mối liên hệ cao đẹp với người xung quanh. Họ mở ra được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đời sau. Họ mở ra được một sự hiệp thông gắn bó với Thiên Chúa là Cha trên trời.

Những người như thế ví như những vì sao bé nhỏ, chiếu toả tình yêu với chiều kích liêng thiêng của sự cứu độ. Họ góp phần không nhỏ vào việc phát triển Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam. Xin ngợi khen và cảm tạ Chúa đến muôn đời.